Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Ngày 24/4 - ngày đầu tiên của Tuần lễ Tiêm chủng thế giới (24 đến 30/4 tới), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh hiện đã có các loại vắcxin ngăn chặn được 26 căn bệnh có nguy cơ gây chết người, song các quốc gia chưa tận dụng được hết sức mạnh của các vắcxin này.
Trong thông cáo báo chí được công bố trong ngày đầu tiên của Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho biết vắcxin là một trong những câu chuyện thành công nhất của nền y học hiện đại, đã giải quyết được nhiều căn bệnh truyền nhiễm bằng cách kích thích hệ miễn dịch để giúp cho con người có sức đề kháng hoặc miễn nhiễm.
Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2015, biện pháp tiêm chủng vắcxin đã ngăn chặn được ít nhất là 10 triệu ca tử vong.
Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế vẫn chưa tận dụng hết tác dụng của vắcxin. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc khẳng định rằng tỷ lệ người dân được tiêm chủng càng cao, quy mô cộng đồng được bảo vệ càng lớn, nhất là đối với những trẻ em còn quá nhỏ để có thể được sử dụng vắcxin, hay người già có nguy cơ cao bị mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc những người phải sử dụng các loại thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch.
Theo thông cáo báo chí của WHO, việc cách tăng cường các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu có thể cứu sống được mỗi năm 1,5 triệu người.
Tuần lễ Tiêm chủng năm nay cũng đánh dấu mốc thời điểm các quốc gia hoàn tất được nửa số mục tiêu đề ra trong Kế hoạch Hành động Tiêm chủng toàn cầu (GVAP), đó là đến năm 2020 xóa sổ những căn bệnh có thể ngăn ngừa được.
Mục đích của kế hoạch là cải thiện sức khỏe cho tất cả mọi người thông qua việc giúp cho mọi người dân đều được hưởng những lợi ích của việc tiêm chủng.
Tuy nhiên, WHO cảnh báo rằng tiến độ thực hiện GVAP đang quá chậm so với kế hoạch.
Theo số liệu mới nhất của cơ quan này, trên thế giới hiện có khoảng 19,4 triệu trẻ em không được tiếp cận các dịch vụ tiêm căn bản như là tiêm phòng ba liều vắcxin bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3).
Trong một thông điệp được đưa ra nhân Tuần lễ Tiêm chủng, bà Chan, thay mặt trẻ em trên thế giới, nhấn mạnh "Không thể để bất kỳ trẻ em nào bị tước quyền được tiềm chủng vì những lý do không công bằng, trong đó có những nguyên nhân kinh tế hoạch xã hội. Mọi rào cản phải được dỡ bỏ."
Trong số 19,4 triệu trẻ em không được tiêm phòng DTP3, có tới 11,5 triệu em sống ở 10 quốc gia Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Nigeria, Pakistan, Philippines, và Ukraine.
Mục tiêu mà toàn bộ 194 nước đã ký vào GVAP đề ra là tới năm 2020 đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho ít nhất 90% diện tích quốc gia và chí ít là 80% ở mỗi quận huyện.
Theo VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/who-keu-goi-cac-quoc-gia-tan-dung-het-suc-manh-cua-vacxin/443019.vnp