Cập nhật: 26/04/2017 15:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hát Trống quân là loại hình sinh hoạt âm nhạc dân gian đặc sắc, được coi là “đặc sản” văn hóa của người dân Đức Bác, huyện Sông Lô. Dân ca Trống quân Đức Bác được mài giũa, chắt lọc qua nhiều thế kỷ và có giá trị nghệ thuật rất lớn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phấn (Đức Bác, Sông Lô) truyền dạy làn điệu Trống quân cho các thế hệ con cháu (Ảnh: Khánh Linh)

Theo các cụ cao tuổi trong làng thì dân ca Trống quân Đức Bác đã có từ lâu, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hát Trống quân được hình thành từ tích truyện của 2 làng ven sông là làng Kẻ Lép xưa (tức là làng Đức Bác) và làng Phù Ninh (thuộc xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Trống quân Đức Bác chỉ được hát vào dịp đầu năm khi làng mở tiệc và mời đào bên kia sông là người Phù Ninh sang.

Hát Trống quân Đức Bác hiện có 3 làn điệu đặc trưng là hát đón đào, hát mó cá và hát đúm, đều được diễn ra ở sân đình. Hát Trống quân Đức Bác không giống như những lối hát khác, đó là lối hát đối đáp giữa nam nữ, thường được tổ chức vào dịp đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa. Hát Trống quân vừa giản dị, vừa mộc mạc đời thường, do vậy, nó được lan tỏa từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, từ những năm 1947, khi thực dân Pháp xâm lược, đình Đức Bác bị phá hủy, từ đó, hát Trống quân cũng dần mai một và bị thất truyền. Hiểu được giá trị văn hóa tinh thần to lớn của làn điệu Trống quân, sau hơn nửa thế kỷ bị thất truyền, đến năm 2002, xã Đức Bác tìm nhiều biện pháp để phục dựng lại văn hóa truyền thống của quê hương, đưa Trống quân trở thành niềm tự hào của các thế hệ ở địa phương. Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bác cho biết: Trên địa bàn xã có 11 thôn, hiện nay, có 4 thôn: Giáp Thượng, Giáp Trung, Khoái Trung và Thọ Dương duy trì được câu lạc bộ hát Trống quân do Hội Người cao tuổi phụ trách. Các thành viên trong các câu lạc bộ hát Trống quân tích cực tham gia luyện tập và nhiệt tình biểu diễn trong tất cả các dịp lễ hội, các buổi họp thôn, xã. Ngoài việc dạy cho lớp người cao tuổi, xã còn kết hợp với nhà trường lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa để dạy cho các cháu ở bậc học THCS. Đồng thời, UBND xã cũng tạo điều kiện về kinh phí, nhân lực để giúp các câu lạc bộ phát triển. Từ đó, các câu lạc bộ hát Trống quân ngày càng thu hút đông đảo các hội viên tham gia và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các lứa tuổi.

Từ hơn 10 năm nay, với trí nhớ của các nghệ nhân cao tuổi và sự đam mê của các thế hệ sau, hầu hết các làn điệu Trống quân đã được truyền dạy và phục dựng. Mặc dù, năm nay đã 98 tuổi nhưng cụ Nguyễn Văn Phấn, ở thôn Giáp Thượng luôn tâm huyết trong việc gìn giữ các làn điệu hát Trống quân của quê hương. Hiện nay, cụ là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất ở địa phương còn nhớ được và truyền dạy các điệu hát Trống quân cho các thế hệ con cháu trong xã. Dù đôi mắt không còn tinh, tai không còn thính, lại ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Phấn vẫn nhiệt tình truyền dạy các điệu hát Trống quân cho con cháu của mình. Cụ tâm niệm, việc truyền dạy lại những gì cụ biết và nhớ về Trống quân là việc làm hết sức có ý nghĩa để gìn giữ bản sắc riêng của quê hương. Để con cháu hào hứng với những làn điệu Trống quân, nghệ nhân Nguyễn Văn Phấn thường xuyên có mặt trong các buổi tập của các câu lạc bộ để dạy, chỉnh sửa từng làn điệu cho các con cháu của mình và giảng giải về ý nghĩa của từng câu hát để Trống quân Đức Bác được tất cả những người con của quê hương thuộc và hát, gìn giữ cho muôn đời sau.

Sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền và người dân Đức Bác phần nào đã đưa các làn điệu hát Trống quân trở lại với cuộc sống thường nhật. Với tình yêu và niềm đam mê những giá trị văn hóa phi vật thể mà cha ông để lại của các thế hệ người dân Đức Bác, cùng với sự trân trọng, giữ gìn, làn điệu dân ca Trống quân sẽ không mai một theo thời gian mà ngày càng phát triển, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm