Cập nhật: 04/05/2017 15:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trên thị trường hiện bày bán rất nhiều loại ga, không chỉ đa dạng về mẫu mã, chủng loại, các cửa hàng, đại lý còn đua nhau giảm giá bán nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh những sản phẩm của các doanh nghiệp có uy tín, vẫn còn những cơ sở vi phạm về nhãn mác, sang chiết ga lậu, cung cấp ga không bảo đảm, gây mất an toàn về phòng, chống cháy nổ và đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Tung chiêu “đẩy” hàng

Tại một cửa hàng kinh doanh ga trên phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày bán nhiều chủng loại ga như Petrolimex, Petrovietnam, Sell gas, Total gas, CD Petrol,… giá bán dao động quanh mức 270 nghìn đồng/bình 12 kg. Theo lời của một nhân viên bán hàng, bên cạnh ưu đãi về giá, cửa hàng còn áp dụng chương trình khi khách gọi mua ga sẽ được nhận một trong những phần quà hấp dẫn như tấm lót tay, đế kê bình ga, tạp dề, nước rửa chén bát,... Ngoài ra, cửa hàng còn có ưu đãi đặc biệt khi khách mua bộ bình, bếp đơn Rinnai (bao gồm bình ga CD Petrol; van, dây chống cháy nổ an toàn; mặt bếp đen chống gỉ) có mức giá từ 1,3 triệuđồng nay giảm xuống còn 1,05 triệu đồng kèm tặng một chảo chống dính, giá trị tương đương 200 nghìn đồng; bộ bình, bếp ga đôi Namilux có giá 1,5 triệu đồng, giảm còn 1,2 triệu đồng,… Tại cửa hàng ga và bếp ga quân đội ở khu đô thị Xa La (quận Hà Đông), giá bán giảm chỉ còn 240 nghìn đồng/bình 12 kg cùng nhiều quà tặng kèm theo khi mua hàng như: bộ nồi i-nox ba đáy, đĩa thủy tinh, chảo chống dính, cốc thủy tinh,... Đặc biệt, khách mua bộ bình, bếp đơn Rinnai được tặng van dây chính hãng, giá giảm còn 950 nghìn đồng; bộ bình, bếp đôi i-nox giá còn 1,05 triệu đồng. Tương tự, tại cửa hàng ga A-P (quận Cầu Giấy), giá bán ga 260 nghìn đồng/bình 12 kg cùng nhiều ưu đãi giảm giá đối với các sản phẩm như bình, bếp ga, nồi cơm điện,… Anh Trần Tuấn Việt, nhân viên cửa hàng cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán hàng trăm bình ga các loại. Trong đó, ga của các hãng nổi tiếng như Petrolimex, Petrovietnam được người sử dụng mua nhiều nhất. Do sức cạnh tranh trên thị trường khiến các cửa hàng, đại lý thường xuyên áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, đổi sản phẩm; hỗ trợ, kiểm tra thay thế phụ kiện chính hãng,… nhằm thu hút khách hàng. Đề cập tới chất lượng ga, anh Trần Tuấn Việt khẳng định, chất lượng bảo đảm tuyệt đối, cửa hàng có địa chỉ hẳn hoi chứ không như những cửa hàng khác chuyên bán hàng qua tờ rơi quảng cáo, không rõ địa chỉ cho nên chất lượng chẳng biết đâu mà lần. Không ít khách hàng trong khu vực vì ham giá rẻ, mua ga ở nơi khác chuyển đến chỉ sử dụng được 10 đến 15 ngày là hết sạch. Người mua cố gọi điện phản ánh nhưng chẳng thấy ai trả lời. Đồng thời, nhân viên này cũng bật mí, nhiều cơ sở sản xuất thường làm ăn gian dối bằng cách đổ nước tạo cân nặng, mặc dù khi cân đủ trọng lượng bình 12 kg nhưng thực tế chỉ có 9 đến 10 kg ga khiến người tiêu dùng vô tình bị móc túi 40 đến 60 nghìn đồng.

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, không ít cửa hàng treo biển bán ga của thương hiệu nổi tiếng nhưng bên trong lại bán “thượng vàng hạ cám” các loại ga từ Petrovietnam, Petrolimex đến Siamgas, Vinapegas, CD Petrol,… khiến người tiêu dùng rất khó kiểm chứng được đâu là ga chính hãng, có bảo đảm chất lượng hay không. Liên quan vấn đề này, Trưởng cửa hàng ga Petrolimex Quang Trung (quận Hà Đông) Nguyễn Tiến Minh cho biết, trung bình một tháng cửa hàng bán được khoảng 10 tấn ga (tương đương khoảng 800 bình 12 kg). Với việc các cửa hàng, đại lý ga tư nhân mọc lên ngày càng nhiều khiến sức cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Thậm chí, các cửa hàng, đại lý sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá bán. Chẳng hạn, ga Petrolimex hiện đang bán ở mức 322 nghìn đồng/bình 12 kg nhưng các cửa hàng khác sẵn sàng bán ở mức 250 đến 270 nghìn đồng/bình nhằm lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, do có thương hiệu và uy tín trong kinh doanh cho nên ga Petrolimex ngày càng chiếm được lòng tin người sử dụng. Cũng theo Trưởng cửa hàng Nguyễn Tiến Minh, hiện nay đang tồn tại tình trạng một số cửa hàng chiếm dụng vỏ bình, giả mạo nhãn hiệu, sang chiết, bơm nạp ga lậu diễn ra khá phổ biến, cho nên rất khó bảo đảm an toàn cháy nổ và bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng.

Kiểm soát chặt thị trường ga

Trước sự phát triển của xã hội và nhu cầu sử dụng nhiên liệu sạch ngày càng tăng cho thấy, việc bảo đảm chất lượng, an toàn phòng, chống cháy nổ trong lĩnh vực kinh doanh, sử dụng ga chiếm vai trò hết sức quan trọng. Đề cập vấn đề này, đại diện Tổng công ty ga Petrolimex cho biết: Cần phải phân biệt ga được đóng trong bình (ruột ga) và vỏ bình đựng ga. Ruột ga cho giá trị sử dụng thực thụ, tạo năng lượng để nấu nướng và ruột ga có sạch, có “bẩn”. Ga sạch là ga thuần khiết, khi cháy cho ngọn lửa có nhiệt lượng cao và mầu xanh lam đẹp mắt, ổn định. Ga “bẩn” là ga có lẫn tỷ lệ đáng kể chất khó bay hơi hoặc chất không bay hơi, thậm chí có trường hợp có cả nước pha lẫn. Nếu người sử dụng mua phải ga “bẩn” sẽ rất nguy hại ở chỗ vừa mất tiền lại phải đối diện với việc hít phải khí độc, khí ga “bẩn” qua đường hô hấp; làm ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn, tạo muội đen, gây han gỉ đối với xoong nồi, gây ăn mòn thiết bị điện, điện tử,…

Nhìn nhận về mặt chất lượng ga trên thị trường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền bắc (Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas) Trần Trọng Hữu khẳng định, chất lượng ga được sản xuất trong nước hoàn toàn bảo đảm về chất lượng. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một số hình thức làm giả như giả thương hiệu, nhãn hiệu; làm bình gần giống hoặc thu mua bình của các công ty sản xuất ga có uy tín về sang chiết rồi đem bán. Điều nguy hại ở chỗ, những cơ sở này không phải mất các khoản chi phí đầu tư ban đầu (một bình ga đầu tư mới có chi phí khoảng 450 nghìn đồng) mà họ chuyên thu mua vỏ bình về cưa tai, mài vỏ, chiết nạp, bơm không đủ trọng lượng rồi đem bán thu về lợi nhuận “khủng” không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn tạo ra sức ép ngược đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính vì phải cạnh tranh theo thị trường. Mặt khác, ga là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, áp suất ở trong bình luôn rất cao, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, cháy nổ lớn, là mối đe dọa tiềm ẩn đối với người dân, có nguy cơ trở thành thảm họa nếu như không có các biện pháp bảo đảm an toàn.

Tương tự, Trưởng ban Chống gian lận thương mại (Hiệp hội ga Việt Nam) Đoàn Trọng Thà cho biết, ga giả ở đây phải hiểu là giả mạo về sở hữu trí tuệ. Nó thể hiện ở chỗ bình ga của chủ sở hữu bị các thương nhân khác chiếm dụng, tái sử dụng nhiều lần; sang chiết ga từ bình to sang bình nhỏ rồi giả nhãn hiệu mang bán và gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chủ sở hữu cả về tài sản vô hình (nhãn hiệu đã được bảo hộ) và tài sản hữu hình (bình ga bị chiếm dụng). Ngoài ra, vẫn diễn ra tình trạng gian lận về chất lượng khi trọng lượng ga đóng vào bình không đủ cân theo quy định. Tiếp đến, trên thị trường đang tồn tại không nhỏ lượng ga nhập lậu, không rõ nguồn gốc cùng với việc sang chiết trái phép, chiếm dụng vỏ bình của nhau về cắt tai, mài vỏ khiến cho vỏ bình bị mỏng, không bảo đảm, dẫn đến nguy cơ cháy nổ là rất lớn. Hiện, nhu cầu sử dụng ga trên thị trường khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Trong khi đó, với hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh ga, rất khó kiểm soát về nhãn hiệu và trọng lượng sản phẩm. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

 

Theo QUỲNH CHI/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm