Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình cho vay bình ổn thị trường nhằm ổn định giá cả hàng thiết yếu.
Ngân hàng Nhà nước vừa có có văn bản số 3522 yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung tại công văn số 1098 và công văn số 9641 của Ngân hàng Nhà nước nhằm đẩy mạnh Chương trình cho vay bình ổn thị trường.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình cho vay bình ổn thị trường nhằm ổn định giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Tăng cường vốn vay bình ổn hàng hóa thiết yếu. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Chương trình nhằm góp phần thực hiện an sinh xã hội, gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình cho vay bình ổn thị trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là ở các thành phố lớn và trong dịp cuối năm.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, tại văn bản này Ngân hàng Nhà nước yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt thông tin, tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố các giải pháp triển khai Chương trình cho vay bình ổn thị trường hiệu quả.
Phối hợp với sở, ban ngành trên địa bàn lựa chọn mặt hàng thiết yếu là các hàng hóa sản xuất trong nước tham gia Chương trình để phục vụ người tiêu dùng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp.
Tiếp tục khuyến khích mở rộng danh sách doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay bình ổn thị trường trên địa bàn. Gắn hương trình này với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và xây dựng mối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông hàng hóa giữa các đơn vị tham gia với các đơn vị ngoài chương trình nhằm đảm bảo ổn định cung - cầu về hàng hóa trên địa bàn.
Đồng thời, rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có giải pháp tháo gỡ.
Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn dành nguồn vốn với mức lãi suất phù hợp để tham gia Chương trình cho vay bình ổn thị trường. Thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình triển khai của các tổ chức tín dụng trên địa bàn và thực hiện việc đánh giá, tổng kết, sơ kết hàng năm./.
Theo VOV.VN