Sau một thời gian bỏ học đi lao động xa nhà, em H'Noai Êban (đứng, bên phải) ở xã Hòa Phong, huyện Krông Bông (Ðác Lắc) được nhà trường và gia đình vận động, đã trở về tiếp tục đi học. |
Thời gian qua, các đối tượng môi giới lao động đã về vùng sâu, vùng xa của tỉnh Ðác Lắc, dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động ở các tỉnh, thành phố phía nam. Ðiều đáng buồn, do thiếu hiểu biết và điều kiện kinh tế khó khăn nhiều gia đình, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã chấp nhận cho con em mình đi làm khi chưa đủ tuổi thành niên.
Báo động trẻ em bỏ học đi lao động
Theo thống kê mới nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTB&XH) tỉnh Ðác Lắc, toàn tỉnh hiện có 205 trẻ em trong độ tuổi 13 đến 16 bỏ học đi lao động tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Phần lớn các em là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Do các em còn nhỏ tuổi lại sinh sống và làm việc xa gia đình, cho nên phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như bị dụ dỗ, lôi kéo, lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn ma túy hoặc dễ bị bắt cóc, mua bán trẻ em... Phó Trưởng Phòng LÐTB&XH huyện Krông Bông Trần Ngọc Hùng cho biết: Tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động ở TP Hồ Chí Minh diễn ra nhiều năm nay. Mặc dù ngành LÐTB&XH phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động, giải thích, thậm chí xử lý những sai phạm trong tuyển dụng lao động trẻ em, nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện có 135 em từ 10 đến 16 tuổi bỏ học, trong đó 42 em bỏ học đi lao động ở TP Hồ Chí Minh.
Thực tế thời gian qua cho thấy, một số em sau khi vào TP Hồ Chí Minh, do làm việc quá sức và điều kiện ăn, ở khắc khổ, đã cầu cứu gia đình đưa về địa phương. Trường hợp em H’Noai Êban, sinh năm 2004, ở buôn H'Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông đáng thương hơn đáng giận. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài bốn sào rẫy đất đồi, 200 m2 ruộng lúa, ngôi nhà tình thương được địa phương xây tặng, trong nhà không có tài sản gì khác. Thương ba mẹ lao động vất vả ngày, đêm vẫn không đủ ăn, giữa tháng 2-2017, khi đang học lớp 4 tại điểm trường buôn H’Ngô A, Trường tiểu học Sơn Phong, nghe theo lời dụ dỗ của một đối tượng môi giới lao động, em đã bỏ học vào TP Hồ Chí Minh làm thuê.
Cô Nguyễn Thị Bình, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, điểm trường buôn H'Ngô A cho biết: "Sau khi phát hiện em bỏ lớp, tôi phối hợp Ban Giám hiệu nhà trường đến nhà tìm hiểu và vận động gia đình gọi em trở về. Sau khi vào TP Hồ Chí Minh, do làm việc quá sức và điều kiện ăn, ở không bảo đảm, em đã trốn về. Nay em đã trở lại lớp học". Ông Lê Văn Hồng, dân tộc Mông, ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, đến nay vẫn chưa quên nỗi tủi nhục khi vào TP Hồ Chí Minh đón các con về. Ông Hồng cho biết: Ðầu năm 2017, được một người quen giới thiệu cho con đi làm để có tiền phụ giúp gia đình, ông đã cho hai con là Lê Văn Cải, 10 tuổi và Lê Văn Khương, 15 tuổi vào TP Hồ Chí Minh làm nghề may cho hộ kinh doanh nhỏ. Trái với hứa hẹn làm việc nhẹ lương cao, chỉ sau hai tháng, do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt, các con ông nhiều lần gọi điện về cầu cứu. Thương con, ông Hồng phải vay tiền vào TP Hồ Chí Minh chuộc hai con về, thoát khỏi nạn lạm dụng lao động trẻ em. Cũng vì cảnh nghèo, ông Lê Văn Tỏa, ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, cho đứa con gái 13 tuổi nghỉ học đi làm xa, nhưng ông không biết con mình hiện làm gì và ở đâu, chỉ lâu lâu nghe con gọi điện về than vãn cuộc sống cơ cực nơi đất khách quê người. Ông Tỏa kể: "Nghe con gái nói, một ngày bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, nghỉ đến 12 giờ rồi làm việc đến 7 giờ tối, tắm rửa, ăn cơm xong lại làm đến 12 giờ đêm, không có thời gian nghỉ ngơi còn bị ép công nữa. Thương con nhưng không biết làm thế nào".
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng nêu trên, Chủ tịch UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông) Nguyễn Văn Tâm cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 16 trẻ em từ 10 đến 16 tuổi bị dụ dỗ bỏ học đi lao động ở TP Hồ Chí Minh. Phần lớn các em là người DTTS thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn. Sau khi phát hiện, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp ban tự quản các thôn, buôn, ban giám hiệu các trường học đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình gọi con em trở về đi học. Tuy nhiên, do trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống khó khăn, nên người dân không gọi con em về.
Không chỉ ở huyện Krông Bông, tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng đồng bào DTTS khác ở Ðác Lắc, tình trạng trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động cũng diễn ra phức tạp. Tại huyện Cư Kuin có 43 em, huyện Cư M’gar có 29 em, huyện Lắc có 36 em, huyện Ea Kar và Krông Pác mỗi huyện có 22 em… Theo dự báo, sau kỳ nghỉ hè này, số trẻ bỏ học vào TP Hồ Chí Minh lao động còn tăng cao. Ðiều đáng lo ngại, nhiều gia đình do thiếu hiểu biết, cho nên khi đồng ý cho con em mình đi làm xa đã ký bừa vào những cam kết, nhưng họ không hề biết nơi ăn, ở, điều kiện sinh hoạt cũng như công việc của con em mình như thế nào. Chỉ khi các con gọi điện về cầu cứu, họ mới nhận ra, nhưng không thể đưa con về, vì không đủ tiền bồi thường vi phạm hợp đồng. Vì vậy, nhiều gia đình đang sống trong thấp thỏm, đưa con về không được, để con lại không xong.
Cần ngăn chặn triệt để
Tình trạng trẻ em ở Ðác Lắc bị dụ dỗ bỏ học đi lao động diễn ra nhiều năm nay, nhưng bắt đầu nổi lên từ năm 2014. Thời kỳ cao điểm, có gần 300 trẻ bỏ học đi làm xa. Tháng 6-2015, UBND tỉnh Ðác Lắc ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh tăng cường biện pháp ngăn chặn tình trạng trẻ bỏ học đi lao động. Sau đó, tình trạng này tạm lắng xuống, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, số trẻ bỏ học đi lao động tiếp tục tăng trở lại.
Phó trưởng Phòng LÐTB&XH huyện Krông Bông Trần Ngọc Hùng cho rằng: "Ðể giải quyết dứt điểm, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân về quyền trẻ em, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, đặc biệt phải giải bài toán kinh tế cho các gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, để họ yên tâm cho con em tiếp tục đi học. Ðây là vấn đề lớn, phải có chính sách từ trung ương, từ tỉnh, chứ riêng địa phương khó thực hiện triệt để". Theo Phó Giám đốc Sở LÐTB&XH tỉnh Ðác Lắc Tô Thị Tâm, ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 của UBND tỉnh, các cấp, ngành và địa phương cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là ở các xã trọng điểm, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào DTTS; hướng dẫn người dân nhận biết thủ đoạn của các đối tượng môi giới dụ dỗ trẻ em, để cảnh giác và tố giác hành vi vi phạm pháp luật với các cơ quan chức năng; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở, cộng đồng dân cư, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi môi giới dụ dỗ, đưa trẻ em đi lao động trái phép. Bên cạnh đó, đề nghị Sở LÐTB&XH TP Hồ Chí Minh phối hợp giải quyết, như nắm bắt thông tin về nơi làm việc, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của các em và xử lý các chủ cơ sở sử dụng lao động trẻ em. Các địa phương trong tỉnh cần thường xuyên rà soát, thống kê số lượng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ có nguy cơ bỏ học đi lao động sớm, để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các em tiếp tục đến trường. Về lâu dài, tỉnh và các huyện cần ưu tiên các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội cho những xã khó khăn, vùng DTTS, nhất là tạo điều kiện cho các gia đình nghèo có trẻ em bỏ học đi lao động phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, có điều kiện chăm lo con cái mình học hành tốt hơn.
Theo Bài và ảnh: Nguyễn Công Lý
nhandan.com.vn