Cập nhật: 31/05/2017 16:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau 15 năm du nhập về làng, nghề chế biến tơ nhựa đã làm thay đổi rõ rệt đời sống của người dân thôn Tảo Phú. Nhiều hộ gia đình trong thôn đã vượt khó vươn lên làm giàu từ nghề mới.

Ra chạc, công đoạn cuối cùng tạo ra sản phẩm dây chạc Vào những năm 90 của thế kỷ trước, người dân thôn Tảo Phú (xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) chủ yếu gắn bó với nghề mây tre đan truyền thống. Nhưng từ khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa, đất nông nghiệp thu hẹp dần, nhu cầu sử dụng đồ mây tre đan phục vụ nông nghiệp cũng ít đi. Thêm vào đó, sản phẩm mây tre đan của thôn lại ít về chủng loại, đơn giản về mẫu mã, chất lượng sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm mây tre đan khác trên thị trường, nên không tiêu thụ được và dần bị mai một. Bắt đầu từ năm 1995, một số người dân thôn Tảo Phú đã đưa nghề chế biến tơ nhựa về làng. Ông Nguyễn Phương Đăng, khuyến công viên xã Tam Hồng cho biết: Thời kỳ đầu chỉ có một vài hộ gia đình trong thôn đầu tư máy móc thiết bị, thu mua bao tải, đồ nhựa đã qua sử dụng về làm nguyên liệu sản xuất ra dây chạc, dây thừng, ống nước... Nhưng khi những sản phẩm này được thị trường chấp nhận và sản xuất có lãi, người dân Tảo Phú đã nhanh chóng đầu tư vốn, thiết bị để mở rộng nghề. Ủng hộ tinh thần dám nghĩ dám làm của người dân thôn Tảo Phú, đồng thời tạo điều kiện cho nghề mới phát triển hơn nữa, Trung tâm Khuyến công tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với UBND xã Tam Hồng hướng dẫn thủ tục, bảo lãnh cho các hộ gia đình, doanh nghiệp trong thôn vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Anh Nguyễn Văn Hiền, một trong những người đầu tiên đưa nghề về làng và hiện là chủ một cơ sở sản xuất cho biết: Năm 2002, với gần 1 tỷ đồng vốn vay từ ngân hàng, gia đình chúng tôi đã đầu tư 2 dàn máy cán dây mới với trị giá hơn 400 triệu đồng, cùng với 20 công nhân làm việc tại xưởng, mỗi năm xưởng chúng tôi sản xuất khoảng 300 tấn dây chạc, dây thừng, thu về 2,8 tỷ đồng. Đến nay, toàn thôn có 400 hộ gia đình thì có 60 hộ làm nghề với quy mô nhỏ, 30 hộ làm với quy mô lớn và hàng chục doanh nghiệp với số vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Sự phát triển nhanh chóng của nghề chế biến tơ nhựa không chỉ giải quyết việc làm cho 1/4 số lao động ở Tảo Phú mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở các địa phương lân cận như: Lập Thạch, Vĩnh Tường, Phú Thọ... Phát triển sản xuất không những đem lại nhiều công ăn việc làm trực tiếp cho người làm công ăn lương mà còn tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Hoạt động buôn bán sản phẩm làng nghề đã đem lại thu nhập rất cao, nâng mức thu nhập bình quân toàn thôn lên 6 triệu đồng/người/tháng (năm 1995 chỉ là 500 nghìn đồng/người/tháng). Bên cạnh đó, nghề mới còn đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế của Tảo Phú nói riêng và xã Tam Hồng nói chung. Nếu như năm 2000 tổng giá trị sản xuất toàn thôn đạt 17 tỷ đồng thì năm 2010 tăng lên hơn 41 tỷ đồng, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm 40% cơ cấu kinh tế của xã Tam Hồng.Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn mang tính tự phát nên người dân nơi đây vẫn mong Tảo Phú sớm được quy hoạch, phát triển thành làng nghề tập trung để sản xuất có hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm