Kim ngạch XK gạo trở lại đà tăng sau 5 tháng.
Kim ngạch xuất khẩu (XK) gạo quay lại đà tăng sau nhiều tháng giảm sâu; Bản ghi nhớ thương mại gạo với Bangladesh được gia hạn; Philippines chuẩn bị đấu thầu, đẩy giá gạo trong nước lên cao - đó là những tín hiệu vui của tình hình XK gạo hiện nay.
Tín hiệu vui từ thị trường
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng XK gạo trong 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,3 triệu tấn, tương đương một tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng và 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Sau một thời gian dài giảm sâu, XK gạo đã quay lại đà tăng và chính thức giành lại vị thế là một trong những mặt hàng XK tỷ USD của Việt Nam.
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch XK gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt hơn 815 nghìn tấn, trị giá hơn 376 triệu USD, tăng hơn 16% về cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ gạo XK vào Trung Quốc chiếm đến 47,5% tổng lượng XK gạo của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng và nhập khẩu nhiều sản phẩm gạo nếp và gạo thơm của nước ta. Từ đầu năm đến nay, dù XK gạo còn khó khăn nhưng XK sang Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng, đặc biệt là XK chính ngạch.
Ngoài ra, tin vui còn đến từ thị trường Bangladesh. Theo đó, Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo đã chính thức được ký gia hạn đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm, tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh một triệu tấn gạo các loại. Ngay sau khi ký kết bản ghi nhớ này, phía Bangladesh đã thông báo mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250 nghìn – 300 nghìn tấn gạo trắng 5%. Phía Bangladesh cũng chính thức mời đầu mối của Việt Nam sang Bangladesh trong thời gian sớm nhất để làm việc, đàm phán về giá cả và khối lượng, phương thức giao hàng… của đơn hàng nêu trên.
Chưa hết, mới đây, Ủy ban Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cho biết, Philippines dự kiến sẽ đấu thầu hợp đồng nhập khẩu gạo trong tháng 6, với khối lượng 250 nghìn tấn để củng cố kho dự trữ quốc gia, trước khi nước này bước vào mùa mưa bão. Các công ty thương mại tư nhân ở Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan đều có thể tham gia phiên đấu thầu này. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu từ nay đến cuối năm và gối đầu cho quý I/2018, Philippines dự kiến sẽ phải nhập khẩu tối thiểu 1,5 - 1,6 triệu tấn gạo. Đây là cơ hội cho các DN XK gạo nước ta gia tăng lượng XK.
Về nguồn cung cũng có nhiều tín hiệu sáng, khi Thái Lan đã xả gần hết lượng gạo tồn kho, phần còn lại không đáng kể. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp thương mại gạo không chỉ riêng Việt Nam, mà của toàn cầu sẽ trở lại quỹ đạo cũ, không bị áp lực lớn như thời gian vừa qua.
Nhờ những tin vui kể trên, giá gạo của nước ta đang có dấu hiệu tăng. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), liên tục từ đầu tháng đến nay, giá gạo XK loại 5% tấm (giá FOB) đạt mức 390 USD/tấn, tăng so với mức 360 - 380 USD/tấn hồi cuối tháng 5. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2014. Giá gạo trong nước cũng tăng 250 – 550 đồng/kg tương ứng.
Nới điều kiện, mở cho các doanh nghiệp nhỏ
Mặc dù đang có nhiều dấu hiệu đáng mừng, nhưng với sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường, XK gạo trong thời gian tới được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử, Trung Quốc ngày càng siết thương mại biên mậu, đẩy mạnh nhập khẩu chính ngạch. Philippines cũng đã chuyển sang cơ chế điều hành nhập khẩu gạo mới, thay vì tổ chức đấu thầu tập trung chuyển sang cho tư nhân mua gạo. Điều này tuy giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động tiếp cận các nhu cầu nhưng nếu không cải thiện chất lượng, xây dựng thương hiệu, có giá bán tốt thì gạo Việt sẽ khó cạnh tranh với các nguồn cung cấp khác.
Vì vậy, bên cạnh giải pháp trước mắt là tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng XK, chúng ta cần hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho XK gạo là giải pháp các bộ, ngành đang nỗ lực thực hiện.
Mới đây, Bộ Công thương đã xây dựng xong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo. Với nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung như giảm bớt điều kiện về kho bãi, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng gạo XK… dự thảo được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp (DN) XK gạo. Dự thảo đang được gửi lấy ý kiến các Bộ ngành, DN và hiệp hội và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương cho biết, Nghị định thay thế Nghị định 109 về kinh doanh XK gạo đã gửi cho các đơn vị góp ý. Đây là dự thảo được quan tâm, bàn nhiều. Các DN gạo và các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã gửi ý kiến về Bộ Công thương với đa số là những phản hồi tích cực với việc Bộ Công thương đã mở ra nhiều điều kiện thoáng cho XK gạo.
Tuy nhiên giống như những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện khác, khi một Nghị định được sửa đổi bao giờ cũng có những ý kiến trái chiều do có sự xung đột lợi ích giữa các nhóm. Hiện nay dự thảo này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều thuận lợi vì nới lỏng điều kiện XK gạo và xem xét sự tham gia thị trường của các DN nhỏ nhưng đã là ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện thì sẽ có những điều khoản hạn chế chứ không thể “mở toang” toàn bộ. “Chúng tôi cũng đang xem xét những ý kiến góp ý để sửa đổi theo hướng cố gắng dung hòa các nội dung, điều kiện mới trong việc XK gạo”, ông Hải nói.
Theo HÀ ANH/ nhandan.com.vn