Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May 10. Ảnh: VIẾT THÀNH
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không chỉ đưa ra những chủ trương lớn mà còn định hướng rõ nét hơn các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN; tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách để DNNN thật sự vận hành theo cơ chế thị trường; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị DNNN…
Nghiên cứu Nghị quyết lần này, chúng ta thấy, hầu hết các nội dung, giải pháp lớn đều phù hợp các nguyên tắc căn bản của chuẩn mực quốc tế và cũng đã có sự điều chỉnh cho phù hợp bối cảnh thực tế.
Thứ nhất, mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết nêu rõ, DNNN cần được nâng cao hiệu quả hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo và quản trị công ty theo các chuẩn mực quốc tế. Như vậy, chuẩn mực quốc tế đã được coi là mục tiêu để chúng ta hướng tới trong việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
Thứ hai, đó là mục tiêu hoạt động của DNNN. Theo thông lệ quốc tế, mục tiêu của sở hữu nhà nước tại các DNNN là bảo đảm tối đa hóa giá trị cho xã hội trên cơ sở phân bổ nguồn lực hiệu quả, hợp lý. Tại Nghị quyết T.Ư 5, đã có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tế Việt Nam khi Nghị quyết khẳng định, DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đan xen với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc, thì DNNN còn có thêm một trọng trách khác, đó là phải làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm DNNN thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Thứ ba, DNNN phải thật sự hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế là tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định pháp luật. Thực tế, đây cũng là một trong những nguyên tắc căn bản nhất và thách thức nhất tại nhiều quốc gia. Nguyên tắc về quản trị DNNN của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đặt ra yêu cầu như sau: phải có sự tách biệt giữa chức năng chủ sở hữu của Nhà nước và các chức năng quản lý nhà nước khác đối với DNNN, đặc biệt nếu chức năng quản lý nhà nước có ảnh hưởng điều kiện hoạt động của DNNN.
Bên cạnh đó, mọi tranh chấp giữa DNNN với những người có quyền lợi liên quan thực hiện theo trình tự, thủ tục và các quy định pháp luật dân sự, kinh tế một cách bình đẳng, kể cả các quyền sở hữu liên quan hoạt động phá sản DN. Các DNNN cũng không được có những đặc quyền, đặc lợi, ưu đãi, hỗ trợ gián tiếp hoặc các cơ chế tài chính khác như thuế, vay tín dụng… so với các DN từ khu vực tư nhân. Mọi chi phí đầu vào như điện, nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên,… đều phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường như đối với các DN khác.
Trong trường hợp DNNN vừa thực hiện các hoạt động kinh tế vì mục tiêu lợi nhuận vừa cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích vì mục tiêu chính trị, xã hội, thì mọi chi phí, vốn, doanh thu, lợi nhuận phải được công khai rõ ràng, minh bạch theo các chuẩn mực cao nhất. Trong hoạt động đấu thầu, DNNN là bên tham gia hoặc bên mời thầu, cũng phải tuân thủ theo trình tự thủ tục theo pháp luật chung, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt. Rõ ràng, hệ thống các giải pháp để DNNN thật sự vận hành theo cơ chế thị trường tại Nghị quyết này cũng đã rất chi tiết, rõ ràng, đầy đủ và hoàn toàn phù hợp chuẩn mực quốc tế tốt nhất.
Thứ tư, theo Nghị quyết, hoạt động quản trị DN phải theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Các giải pháp về đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý DNNN đã cho thấy Đảng nhận diện nguyên nhân cốt lõi có ảnh hưởng hiệu quả hoạt động DN là yếu tố con người và hệ thống quản trị DN. Trên cơ sở định hướng về giải pháp, chúng ta cần xây dựng, áp dụng khung quản trị DN phù hợp chuẩn mực quốc tế tại DNNN. Cũng như DN niêm yết, DNNN, kể cả khi chưa phải là DN niêm yết, cũng phải minh bạch, công khai và có trách nhiệm giải trình đối với các vấn đề như tài chính, đầu tư, mua sắm, chi phí, kết quả hoạt động kinh doanh, phân phối lợi nhuận, sử dụng vốn, các giao dịch với người có liên quan, các giao dịch lớn… đồng thời phải duy trì hệ thống báo cáo, thông tin tài chính phù hợp chuẩn mực chung của thị trường. Một điểm nhấn quan trọng mà Nghị quyết cũng đã đề cập, đó là tách biệt giữa vai trò Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ tịch với Ban điều hành/Tổng giám đốc; tách chức năng chỉ đạo, theo dõi, giám sát ra khỏi chức năng điều hành hoạt động hằng ngày.
Thứ năm, đó là chủ trương kiên định của Đảng về việc đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN. Các DNNN được tái cơ cấu theo các nhóm, và tiếp tục cần được cổ phần hóa, thoái vốn, giảm dần tỷ lệ sở hữu Nhà nước để thay đổi được hoạt động quản trị DN. Đối với hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, Nghị quyết định hướng rất rõ các giải pháp thị trường, nhằm tối đa hóa giá trị bán vốn Nhà nước, đồng thời bảo đảm hiệu quả hoạt động của DN sau khi cổ phần hóa thông qua các giải pháp về quản trị DN.
Trong hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, kể cả ở những nước phát triển, phương thức thực hiện và vấn đề định giá tài sản có tính kỹ thuật, tuy nhiên lại tiềm ẩn tiêu cực và đôi khi làm chậm tiến độ triển khai thực hiện. Quá trình tái cơ cấu các DNNN thời gian vừa qua cũng đối mặt các vấn đề này. Nghị quyết đã định hướng cho việc xây dựng các giải pháp rất cụ thể để khắc phục những hạn chế đó. Điểm đáng mừng là định hướng các giải pháp này hoàn toàn phù hợp các nguyên tắc căn bản mà OECD khuyến cáo các quốc gia khi cổ phần hóa DNNN.
Việc triển khai đầy đủ các nội dung của Nghị quyết chắc chắn sẽ tạo đột phá lớn cho công tác sắp xếp, đổi mới DNNN trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ định hướng, góp phần phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
TSKH NGUYỄN THÀNH LONG Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội
Theo nhandan.com.vn