Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)
Trong chiều qua và sáng nay (20/6), hầu hết các ngân hàng điều chỉnh tăng giá mua - bán USD với mức tăng từ 20-30 đồng sau khi Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng giá mua vào USD thêm 50 đồng lên 22.725 đồng/USD.
Cụ thể, ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, Vietcombank và VietinBank đều tăng 35 đồng so với sáng qua, hiện tỷ giá USD tại ngân hàng này là 22.690-22.760 đồng/USD.
BIDV cũng tăng 30 đồng, hiện ngân hàng này giao dịch ở mức 22.685-22.755 đồng/USD.
Với khối ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank cũng tăng 30 đồng ở cả 2 chiều mua so với sáng qua và hiện ở mức 22.650-22.760 đồng/USD. LienVietPostBank tăng 30 đồng ở giá mua vào lên 22.670 đồng/USD, tuy nhiên giảm 30 đồng ở giá bán ra xuống mức 22.760 đồng/USD.
Tại Sacombank, giá mua vào tăng thêm 33 đồng lên 22.683 đồng/USD, đồng thời giá bán ra cũng được điều chỉnh tăng nhẹ 1 đồng lên mức 22.766 đồng/USD.
Trong khi, Eximbank cũng tăng 30 đồng so với sáng qua và giữ nguyên giá mua - bán đồng so với chốt phiên trước, hiện ngân hàng này đang giảo dịch ở mức 22.660/22.760 đồng/USD. Tương tự, ACB và DongA Bank cùng giao dịch USD ở mức 22.690-22.760 đồng/USD.
Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường chiều nay là 22.640 đồng/USD, giá mua cao nhất là 22.690 đồng/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất trên thị trường là 22.740 đồng/USD, giá bán cao nhất là 22.766 đồng/USD.
Nguyên nhân, theo một chuyên gia ngân hàng là do Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã nâng giá mua vào USD thêm 50 đồng lên 22.725 đồng/USD dù vẫn giữ giá bán ra ở mức 23.070 đồng/USD. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước nâng giá mua vào USD sau hai lần trong tháng Một và tháng Tư với bước nâng 100 đồng, qua đó phát đi tín hiệu không muốn tỷ giá trên thị trường giảm.
Trước tác động của sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuối tuần qua, tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định. Sự ổn định này gần như kéo dài từ đầu năm đến nay. Trong quãng ổn định đó, nhà điều hành đã chủ động trong những bước tăng khá đều của tỷ giá trung tâm. Và quyết định nâng giá mua lần này cũng nằm trong thế chủ động định hướng thị trường, cũng như gián tiếp hạn chế việc VND lên giá, gián tiếp hỗ trợ cho xuất khẩu…
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước nâng giá mua vào USD là hoàn toàn hợp lý để chặn lại đà rơi của tỷ giá trên thị trường. Việc tỷ giá trên thị trường tăng khá mạnh sau tín hiệu của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn "đúng với ý đồ của nhà điều hành", ông nói.
Ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng Kinh doanh Ngoại hối và Trái phiếu của ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, tính trong năm nay, tỷ giá USD/VND biến động trong một số thời điểm nhưng nhìn chung từ đầu năm đến giờ khá ổn định quanh mức 22.680- 22.750 VND với thanh khoản thị trường khá tốt, nguồn cung khá dồi dào từ dòng vốn FDI, FII và các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Với xu hướng giảm nhẹ của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trong thời gian sắp tới, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ không có nhiều biến động.
Tuy nhiên, ông Khoa phân tích, với cán cân thương mại thâm hụt khoảng 2,5 tỷ USD từ đầu năm đến giờ và khả năng có thể nới rộng lên 7 tỷ USD vào cuối năm sẽ tạo những áp lực nhất định lên tỷ giá USD/VND vào một số thời điểm. Trong hai tháng gần đây, lạm phát có xu hướng giảm nhưng trung bình 5 tháng đầu năm (4,47%) vẫn cao hơn mục tiêu 4%. Do đó lãi suất VND vẫn nên ở mức hấp dẫn thích hợp để vừa có thể hỗ trợ kinh tế nhưng cũng có thể duy trì sự ổn định của tỷ giá.
"Với chính sách của Fed, xu hướng lãi suất và USD khá rõ ràng, khả năng, thị trường hiện chuyển sự tập trung qua Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và khả năng sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ hơn trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp có những hoạt động liên quan đến rủi ro về lãi suất và tỷ giá vẫn nên theo dõi sát sao những biến động của thị trường và sử dụng những biện pháp phòng ngừa rủi ro thích hợp," ông Khoa nhấn mạnh.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng đưa ra dự báo, đồng Việt Nam năm nay sẽ điều chỉnh mất giá tối đa từ 1-2%, mức này là chấp nhận được. Lý do là vì trong bối cảnh thị trường tài chính của ta hoàn toàn bị động, có đồng tiền mất giá mà cũng có đồng tăng giá. Nếu đồng Việt Nam mất giá trong khoảng trên là có thể chấp nhận được.
"Tất nhiên, chúng ta cần phải tính toán tổng hòa lợi ích của toàn bộ nền kinh tế để quyết định về vấn đề tỷ giá vì đây là vấn đề nhậy cảm chứ không chỉ riêng về lĩnh vực thương mại hay đầu tư,” ông Lực chia sẻ.
Ông Lực cũng chia sẻ thêm, dù USD có tăng vẫn không có lợi bằng gửi ngân hàng với lãi suất 7%/năm vì gửi tiền tại các ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất.
Theo THÚY HÀ /VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/ty-gia-tai-ngan-hang-tang-sau-khi-ngan-hang-nha-nuoc-nang-gia-mua-usd/452246.vnp