Dứa đã trở thành hàng hóa lớn giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Bát Xát (Lào Cai) thoát nghèo.
Một số vùng cao Tây Bắc của Tổ quốc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên có những yếu tố thuận lợi về địa lý, khí hậu rất phù hợp để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên sản phẩm người dân vùng cao làm ra còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Thiếu đầu ra cho sản phẩm
Đó là đất mận Tam Hoa ở Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La); trâu, bò ở Si Ma Cai (Lào Cai); ngô ở Quản Bạ (Hà Giang); dứa, chuối ở Bát Xát, Mường Khương (Lào Cai). Các loại cây trồng, vật nuôi này có thể cho đến hàng nghìn tấn, hàng nghìn con mỗi năm. Đó là nguồn sản phẩm, hàng hóa rất lớn được sản xuất ngay tại địa phương. Nếu số sản phẩm này được tiêu thụ nhanh chóng, có quy mô, sản xuất đến đâu bán đến đó sẽ giải quyết được đầu ra cho nông sản. Và chuyện thoát nghèo đối với bà con không còn là việc khó khăn. Song, thực tế, nhiều năm qua các cấp, các ngành, nhất là địa phương sở tại còn băn khoăn vì chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm của người vùng cao, chưa có nhà máy với quy mô đủ để bao tiêu sản phẩm, mặc dù những sản phẩm ấy rất đặc trưng, thậm chí là “sản phẩm sạch” đúng nghĩa. Nhưng có những năm mận Tam Hoa ở Bắc Hà rụng đầy gốc cũng không thấy người đến hỏi mua. Còn nếu ai mua nhiều thì vào vườn tự hái. Bởi nếu người trồng ra nó vào hái sẽ lỗ thêm công của ngày hôm đó. Đứng trước một đống của, nhìn thấy no ấm hiện hữu ngay trước mắt nhưng người nông dân vùng cao, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bất lực nhìn từng sản phẩm nuôi trồng của mình không có đầu ra.
Còn nhớ, cách đây nhiều năm, chưa ai biết đến giá trị của cây thảo quả, nhưng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, Yên Bái đã trở nên giàu có, thu từ vài trăm triệu mỗi năm. Giá thị trường lúc cao nhất, mỗi kg thảo quả bán được từ 250 đến 300 nghìn đồng. Ở thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), nhiều người Dao đã thoát nghèo từ hiệu quả kinh tế của loại cây này. Xã Phương Tiến là một trong những địa bàn có diện tích thảo quả nhiều nhất, lên tới 500 ha, thôn Mào Phìn hiện có 68 trong số 70 hộ trồng thảo quả với tổng diện tích khoảng 250 ha, nghĩa là gần như tất cả các hộ trong thôn đều trồng cây thảo quả. Nhưng do giá cả phụ thuộc quá lớn vào lái buôn (địa phương chưa có chương trình bao tiêu hay chế biến tại chỗ để giúp bà con sản xuất), nên mặc dù cây thảo quả có giá bán rất cao nhưng không bền vững, không thể trồng quy mô lớn để làm thay đổi cuộc sống người dân cả một vùng đá núi.
Những mô hình sản xuất hiệu quả
Để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn ở vùng cao, chúng ta cũng không thể không nhắc đến những người lính mang quân hàm xanh đã bám bản, bám dân, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt giúp đồng bào vùng cao sản xuất đạt hiệu quả. Đó là mô hình nuôi bò vàng, hay còn gọi là bò “Kobe” ở bốn huyện cao nguyên đá Hà Giang, đó là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với cách gọi thông thường “Nuôi bò trên lưng”. Nghĩa là bò được nuôi nhốt, sau đó đồng bào dân tộc Mông trồng cỏ trên khe núi rồi dùng gùi hoặc quẩy tấu “cõng” cỏ về nhà bỏ vào chuồng. Như thế bò ít đi lại nên không bị ngã núi và cũng béo lên rất nhanh.
Hoặc dự án trồng dứa, chuối giúp đồng bào ở sáu xã vùng biên giới gồm Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu và Y Tý của các huyện Bát Xát, Mường Khương (tỉnh Lào Cai) do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 - Bộ Quốc phòng phụ trách nhằm giúp dân xóa đói, giảm nghèo, từ đó góp phần vào bảo vệ, giữ vững ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn các xã vùng cao. Trước đây cây chuối, cây dứa vùng này chỉ phát triển theo hướng nhỏ lẻ, nghĩa là bà con trồng để ăn là chủ yếu, cùng lắm mỗi chợ phiên bán được thêm vài buồng chuối, vài tải dứa. Nhưng sau này Đoàn 345 đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho bà con vay vốn, bộ đội cung ứng giống chuối mô từ Bản Phiệt của Lào Cai, rồi chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cách làm để đến hôm nay, hai loại cây này đã được trồng hàng trăm, hàng nghìn héc-ta trên vùng dự án. Tại thôn Tạc Tà của xã A Mú Sung, vào mùa vụ có hàng trăm tấn quả được bán sang nước làng giềng qua đường cửa khẩu, đem về nguồn thu, lợi nhuận không nhỏ cho các hộ dân trong vùng.
Ngược lên Lai Châu, có Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, với mô hình chăn nuôi khá độc đáo. Đó là việc đưa cá hồi lên núi Tung Qua Lìn. Đây là loại cá chỉ sống ở vùng nước sạch, lạnh như ở Sa Pa (Lào Cai). Vậy mà những người lính của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu đã tận dụng nơi có khí hậu, nguồn nước phù hợp để phát triển loài cá này. Hiện nay, cá hồi đang phát triển rất tốt và cũng hứa hẹn trở thành món hàng hóa có tính bền vững cao nếu phát triển, nhân rộng, hướng dẫn bà con nuôi và có đầu ra ổn định. Hay đồng bào dân tộc Thái ở xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cũng đã tìm được một hướng phát triển kinh tế mới, đó là nghề nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện. Điều này đã và đang góp phần giúp người dân tái định cư thay đổi suy nghĩ, phát triển kinh tế nông nghiệp trên vùng đất đặc biệt khó khăn. Những mô hình kinh tế mà Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đã triển khai, góp phần thay đổi nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc về cách làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, từng bước vươn lên làm giàu.
Theo Bài, ảnh: HOÀNG NGHIỆP
nhandan.com.vn