Ảnh minh họa. (Nguồn: moneyweb.co.za)
Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) vừa khuyến nghị rằng các nhà hoạch định chính sách và thống đốc ngân hàng trung ương các nước cần giám sát chặt chẽ các động thái trên thị trường tài chính nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008.
Báo cáo cho BIS cho biết đà phục hồi của thương mại toàn cầu trong năm nay cùng với tình hình tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cải thiện tại hầu hết các nước có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phớt lờ những dấu hiệu về tình trạng cho vay quá mức có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong bản báo cáo hàng năm vừa công bố, BIS bày tỏ sự quan ngại rằng đà tăng giá mạnh của các thị trường cổ phiếu trong thời gian qua cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy nguy cơ cho vay quá mức có thể bị bỏ qua và sự hưng phấn của giới đầu tư trái ngược hoàn toàn với những phản ứng bi quan hồi năm ngoái trước những sự kiện chính trị như bầu cử Tổng thống Mỹ và việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU).
Cảnh báo trên của BIS được công bố vào thời điểm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Hamburg trong hai tuần tới. Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, các nước thành viên G20 và nước chủ nhà Đức kỳ vọng Mỹ sẽ ký thỏa thuận về quy định trong ngành ngân hàng theo đề xuất của Ủy ban Ổn định tài chính (FSB) thuộc G20. Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney nhấn mạnh rằng các nước cần áp dụng các quy định cứng rắn hơn để mang lại sự an toàn hơn cho các thị trường phái sinh cũng như đưa ngân hàng lâu nay hoạt động trong “bóng tối” trở lại hệ thống tài chính chính thống.
Theo VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/canh-bao-nguy-co-khung-hoang-tai-chinh-tu-hoat-dong-cho-vay-rui-ro/453133.vnp