Nhờ chính sách kịp thời được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nguồn vốn trung và dài hạn, được vay vốn lưu động mà Công ty CP Gạch gói Đất Việt đã hồi sinh.
Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế và giảm lãi suất điều hành 0,25%, ngày 10-7, nhiều ngân hàng cũng nhanh chóng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất.
Cụ thể: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) công bố, kể từ ngày 10-7, VietinBank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Đồng thời, VietinBank cũng tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh, dự án khả thi, hiệu quả; doanh nghiệp áp dụng các sáng kiến mới vào nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, lành mạnh, sản xuất kinh doanh hiệu quả, ưu tiên những doanh nghiệp, cá nhân sử dụng toàn diện các sản phẩm dịch vụ của VietinBank.
Cùng trong top tiên phong, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng kịp thời ra thông báo về việc hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng. Theo đó, kể từ ngày 10-7, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo TT39/2016/TT-NHNN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục chủ động, mở rộng và đa dạng các hình thức huy động vốn; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện và chia sẻ khó khăn đối với khách hàng.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thể hiện tính tiên phong của mình khi ngay sau quyết định giảm lãi suất từ cơ quan quản lý có hiệu lực thi hành, VPBank cũng chính thức công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các SME đã được VPBank điều chỉnh giảm thêm mức từ 0,5% đến 1%/năm, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ. Mức lãi suất mới theo các chương trình này sẽ được áp dụng kể từ ngày 10-7.
Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, VPBank cũng đang giới thiệu tới các SME những sản phẩm cho vay tín chấp khác biệt, giúp các DN nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn từ ngân hàng mà không cần có tài sản thế chấp - vốn là rào cản lớn khiến cho nhiều DN không thể tiếp cận tín dụng từ ngân hàng trong những năm qua.
Như vậy, với quyết định giảm lãi suất cho vay từ NHNN và từ đồng loạt các NHTM, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay ở các ngân hàng của Việt Nam đã trở nên khá cạnh tranh nếu so sánh với các nước trong khu vực.
Động thái này được nhìn nhận như một tín hiệu tích cực mở đầu cho làn sóng giảm lãi suất cho vay của các NHTM sau này, từ đó, khuyến khích doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đại diện lãnh đạo Agribank, năm 2016 và năm tháng đầu năm 2017, ngân hàng này đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai bốn gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm để hỗ trợ các khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Agribank cũng đã ban hành đồng bộ chính sách ưu đãi về lãi suất tiền gửi, tiền vay, phí thanh toán, phí dịch vụ và các chính sách khác để khách hàng có thể sử dụng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết của ngân hàng. Tính đến 31-5, Agribank có tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng, nguồn vốn 965 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt hơn 800 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 70%/tổng dư nợ và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng.
Theo HỒNG ANH/ nhandan.com.vn