Nghề đan lờ ở xã Tứ Yên, huyện Sông Lô có từ bao giờ không ai biết, ngay cả những cụ cao niên nhất trong làng cũng chỉ biết rằng đây là nghề cha truyền con nối, từ khi còn nhỏ đã thấy cha ông làm rồi. Nghề phụ này đã góp phần không nhỏ xóa đói, giảm nghèo, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây.
Nghề đan lờ đã góp phần ổn định cuộc sống cho người dân Tứ Yên
Lờ là một dụng cụ đánh bắt thủy sản gồm 3 phần chính: mình lờ, mặt lờ và hom lờ. Nguyên liệu chính làm ra sản phẩm này chủ yếu là từ tre. Để có một chiếc lờ hoàn chỉnh, phải qua rất nhiều công đoạn, từ việc mua tre, cắt đoạn mang về rồi pha mảnh, vót nan, đan mê, bẻ má, cài tua, lắp ráp... Mỗi công đoạn ấy lại do từng người có tay nghề khác nhau đảm nhiệm. Ví như đan mê đơn giản thì trẻ con, phụ nữ đều làm được còn bẻ má, cài tua thì nhất thiết phải dành cho những người có nhiều kinh nghiệm vì đây là bộ phận quan trọng nhất của lờ, phải đúng kích cỡ, đường nan thoáng, khoáy tròn tuyệt đối như miệng phễu thì mới đánh lừa được con tôm chui vào. Nói là lờ Tứ Yên nhưng thật ra cả xã chỉ có thôn Yên Phú chuyên đan lờ với khoảng trên 300 hộ. Có nhiều loại lờ nhưng người dân nơi đây chủ yếu làm lờ tôm và lờ cua. Mỗi một chiếc lờ có thể sử dụng liên tục trong vòng từ 2 - 3 tháng. Mặc dù có rất nhiều dụng cụ đánh bắt thủy sản nhưng để đánh được tôm, cua mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của những loài khác, thì hiện nay không có gì có thể thay thế được lờ.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Đình Lanh - một trong những hộ có nhiều năm gắn bó với nghề đan lờ. Ông chia sẻ: “Ở làng tôi, trẻ em từ nhỏ đã biết đan lờ. Ngày xưa chúng tôi đan lờ vào những lúc nông nhàn, rảnh rỗi, còn bây giờ, công việc này diễn ra hàng ngày, quanh năm. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thương lái đến tận nơi đặt hàng, thu mua với giá từ 5 - 6.000đồng/chiếc. Mặc dù thu nhập từ nghề này không cao nhưng nguyên liệu sẵn, lại không vất vả lắm và tranh thủ được thời gian rỗi nên có nhiều người tham gia”. Ông Nguyễn Ngọc Thạnh - một thầy giáo đã về hưu cho biết thêm: “Người dân quê tôi chủ yếu làm nông nghiệp. Cũng nhờ từ nghề đan lờ mà chúng tôi đã vượt qua được những năm tháng khó khăn nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành và nhiều người có có của ăn, của để. Những người có tuổi như chúng tôi lúc rảnh rỗi vẫn đan lờ, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa đem lại niềm vui và quan trọng nhất là giữ nghề”
Sưu tầm