Cập nhật: 17/07/2017 14:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Quyết định giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực, NHNN và cả hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) còn tiếp tục phải đối diện không ít khó khăn, thách thức.

Quyết định phù hợp diễn biến thị trường

Sau động thái bất ngờ giảm lãi suất từ phía nhà điều hành, thì gần như ngay tức thì, các ngân hàng cũng đồng loạt hưởng ứng bằng các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cụ thể của mình. Đi đầu, không thể không điểm tên bốn ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, đó là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Vietcombank chính thức điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với năm đối tượng khách hàng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016 của NHNN, kể từ ngày 10-7, cùng ngày với quyết định giảm lãi suất của NHNN có hiệu lực thi hành. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng thông báo trên toàn hệ thống về việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn về mức tối đa 6,5%/năm đối với khách hàng thuộc nhóm đối tượng ưu tiêu theo quy định từ ngày 10-7. 

Theo Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê: Quyết định giảm lãi suất của các khoản vay ngắn hạn VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên là cam kết của SHB trong việc hỗ trợ cá nhân, DN sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Thực tế hiện nay, nhiều DN - nhất là nhóm DN nhỏ và vừa gặp khó khăn về vốn dù có phương án kinh doanh khả thi, kế hoạch trả nợ hợp lý. Do đó, quyết định giảm lãi suất lần này của SHB sẽ giúp các khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để biến những dự án đang còn trên giấy thành cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Lê chia sẻ thêm.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận: Quyết định giảm lãi suất trong vòng hai năm trở lại đây của NHNN cho thấy một tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ từ phía nhà điều hành. Động thái điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN được xem là tín hiệu “bật đèn xanh” và đồng thời cũng cho thấy định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là động thái chính sách tích cực, phù hợp với diễn biến thị trường đang có điều kiện để giảm lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang ở mức thấp. “Nếu tính so với tháng 12-2016, CPI tháng 6-2017 chỉ tăng 0,2%. Lạm phát thấp tạo dư địa để NHNN có thể giảm lãi suất bằng các công cụ chính sách. Từ nay đến cuối năm 2017, lãi suất có thể giảm từ 0,25% đến 0,5%/năm. Đó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế” - TS Trần Du Lịch nhận định.

Tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế đã có những tín hiệu tích cực từ việc giảm lãi suất của các NHTM. Nhưng từ những tín hiệu đó sẽ cho ra kết quả thực tế như thế nào, vẫn cần phải có thêm thời gian mới có câu trả lời. Liệu quyết định đó có trở thành đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm như kỳ vọng hay không, không chỉ cần nỗ lực của riêng hệ thống ngân hàng mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ rất nhiều bộ, ngành và các đơn vị liên quan.

Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, nhất là việc giảm lãi suất tái chiết khấu sẽ giúp các ngân hàng mang trái phiếu đặc biệt đi vay tái cấp vốn có lãi suất “mềm” hơn. Chính sách cũng cần độ trễ, chưa thể tác động ngay đến lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực thông thường.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, việc điều chỉnh này trước mắt chỉ tác động đến lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, còn đối với các lĩnh vực cho vay thông thường thì phải có độ trễ nhất định. Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả việc giảm lãi suất cho vay cần thêm các giải pháp hỗ trợ, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử, NHNN cần thực hiện các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, tránh tình trạng tăng cung tiền quá nóng lại gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá. Cùng với đó, nên có giải pháp huy động được nguồn ngoại tệ đưa vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời không khuyến khích dòng vốn chảy vào các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao.

Nhận định từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho thấy, quyết định giảm lãi suất của NHNN là một bước đi đúng, tạo điều kiện cho khu vực DN phát triển.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, theo báo cáo mới đây của IMF, tín dụng của Việt Nam vào cuối năm 2016 đã tương đương với 124% GDP, cao hơn so với các nước ASEAN-5, các nước thu nhập trung bình khác và nhất là các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. Tỷ lệ này hiện đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó, có thể dẫn đến những rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng và lạm phát. Do đó, NHNN vẫn cần thận trọng với khả năng lạm phát có thể tăng trong thời gian tới, khi chính sách nới lỏng tiền tệ ảnh hưởng tới nền kinh tế. “Trong bất kỳ tình huống nào, điều hành tăng trưởng hay điều hành vì các mục đích khác nhau mà mất ổn định vĩ mô thì cứu chữa sẽ rất khó. Đó là những điều mà NHNN cần thận trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ” - Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành lưu ý.

Trong quyết định giảm lãi suất lần này, NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay mà không giảm lãi suất huy động. Quyết định đó dựa trên cơ sở tính toán và cân đối các yếu tố vĩ mô khác như cân đối huy động vốn và tăng trưởng tín dụng phù hợp; bảo đảm tính thanh khoản hệ thống; bảo đảm ổn định tỷ giá và tính toán cả kịch bản Fed tăng lãi suất trong tương lai trên cục diện tổng thể đạt được mục tiêu ổn định hệ thống và ổn định vĩ mô. Do vậy, có thể khẳng định kịch bản giảm lãi suất đợt này của NHNN là phù hợp. Ngoài ra, điều đó cũng thể hiện rõ thông điệp ngành ngân hàng chia sẻ, đồng hành cùng DN.

TS Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia kinh tế

Bài và ảnh: HỒNG ANH

Theo  nhandan.com.vn

Tệp đính kèm