Cập nhật: 25/07/2017 15:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vĩnh Phúc hiện có 17 cây di sản được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh. Mỗi cây di sản được vinh danh là niềm tự hào về lịch sử, văn hóa và bề dày truyền thống của nhân dân địa phương. Đứng trước nguy cơ bị tàn phá bởi thiên nhiên, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của cây di sản.

Cây bồ đề ở thôn Hòa Lạc, xã Tân Cương (Vĩnh Tường) được công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2012

Theo quy định về tiêu chí cây di sản Việt Nam, cây di sản là những cây thân gỗ, có tuổi thọ trên 100 năm đối với cây trồng và trên 200 năm đối với cây tự nhiên; có hình dáng đặc sắc, độc đáo; có giá trị về khoa học, cảnh quan môi trường, văn hóa, lịch sử... được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận.

Ông Phạm Huy Thụy, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh cho biết, hiện nay, tỉnh có 5 địa danh có cây di sản được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận, gồm: Cụm 3 cây đa, trôi, bồ đề (xã Tân Cương, Vĩnh Tường); cây lộc vừng và 2 cây bồ đề (xã Sơn Đông, Lập Thạch); cây đa, cây gạo (xã Trung Kiên, Yên Lạc); 2 cây gạo (xã Cao Phong, Sông Lô); 6 cây đa và 1 cây đại (thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường). Việc vinh danh cây di sản không chỉ góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bảo tồn nguồn gen quý, mà còn có tác dụng khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng, gìn giữ những di sản cha ông để lại, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Năm 2012, xã Tân Cương (Vĩnh Tường) là địa phương đầu tiên trong tỉnh có cây di sản được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Sau khi vinh danh, các cây cổ thụ được UBND xã giao cho Tiểu ban quản lý di tích đình, chùa Bảo Quang (thôn Dẫn Tự) chăm sóc, bảo vệ. 3 cây đa, trôi, bồ đề được các cụ cao niên trong xã trực tiếp chăm sóc. Cho đến nay, cây đa và cây bồ đề sinh trưởng và phát triển tốt, riêng cây trôi đã bị mối mọt ăn rỗng một phần thân cây, khiến khả năng chống đỡ của cây yếu. Ông Nguyễn Trung Chương, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình, chùa Bảo Quang cho biết, để bảo vệ cây, nhân dân trong xã đã đánh thuốc diệt mối nhiều lần; đồng thời, quyên góp được 5 triệu đồng từ năm 2015 để mua nguyên vật liệu chống đỡ cây. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên cây chỉ được chống đỡ bằng tre và giáo, do đó, khả năng chống đỡ yếu. Năm 2016, UBND xã Tân Cương đã có tờ trình gửi UBND huyện Vĩnh Tường đề nghị hỗ trợ kinh phí để chống đỡ thân cây trôi bằng bê tông.

Ông Phạm Huy Thụy, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh cho biết, cây di sản thường gắn liền với các di tích, bởi vậy, thường do ban quản lý di tích tại các địa phương trực tiếp trông coi; các ngành chuyên môn chỉ có vai trò hỗ trợ khi cần thiết. Nguồn kinh phí chăm sóc, bảo vệ cây chủ yếu được lấy từ nguồn xã hội hóa. Ông Thụy cho biết thêm, hiện nay, trong số 17 cây di sản trên địa bàn tỉnh thì chỉ có duy nhất cây trôi ở thôn Dẫn Tự (xã Tân Cương, Vĩnh Tường) là bị mối mọt ăn rỗng do cây đã già. Năm 2016, các nhà khoa học đã tổ chức hội thảo nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp bảo vệ cây. Đến nay, vấn đề này tiếp tục được nghiên cứu và sẽ sớm triển khai các giải pháp để bảo tồn cây di sản này.

Năm 2015, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) có 7 cây di sản được vinh danh, gồm 3 cây đa ở đình Thổ Tang, 2 cây đa ở đền Trúc Lâm, 1 cây đa ở thôn Nam Cường và 1 cây đại ở chùa Tùng Vân. Những cây cổ thụ này có niên đại hàng trăm năm, gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Ông Lê Văn Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang cho biết, từ khi được vinh danh đến nay, các cây di sản được nhân dân địa phương chăm sóc chu đáo. Nhân dân chủ động đóng góp tiền để xây kè, ốp đá nhằm giữ gốc và bảo vệ cây. Ngày rằm hoặc mùng Một âm lịch hàng tháng, các cụ cao niên thường quét dọn dưới gốc cây để bảo vệ cảnh quan của các di tích.

Do có tuổi thọ cao, các cây di sản dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai, bên cạnh đó là nguy cơ bị chặt phá bởi con người. Theo ông Phạm Huy Thụy, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, để bảo vệ cây di sản, cần có sự chung tay của tất cả các cấp, ngành, chính quyền địa phương và cả cộng đồng. Các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay chăm sóc và bảo vệ tốt các cây di sản, thường xuyên theo dõi diễn biến sinh trưởng của cây để có biện pháp chăm sóc phù hợp, kéo dài tuổi thọ của cây; nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn cây di sản, tiến tới xã hội hóa việc chăm sóc, bảo vệ cây di sản; khuyến khích đưa nội dung bảo vệ cây di sản vào hương ước, quy ước của địa phương; ban hành quy chế bảo vệ cây di sản, đồng thời, coi bảo vệ cây di sản là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức; phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tích và cây di sản, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hình thành ý thức quý trọng, bảo vệ cây di sản cho các tầng lớp nhân dân.

 

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm