Trên các cánh cửa ra vào những di tích kiến trúc ở khu phố cổ Hội An có gắn hai khoanh gỗ hình tròn, hình lục giác, hình bát giác… được chạm khắc khá công phu và đôi khi được sơn son thếp vàng, cư dân địa phương quen gọi là Mắt cửa. Mắt cửa là một dạng trang trí khá đặc sắc cho ngôi nhà, nó thực chất là núm khóa chốt cửa, có hình dáng chiếc đinh, phần tán ở đầu dày 10cm, đường kính khoảng 20cm, và phần chốt đục liền với tán tiết diện hình chữ nhật dài khoảng 30cm, có chức năng liên kết đố cửa và khung cửa giữ không cho cánh cửa rời ra.
Mắt cửa ở chùa Cầu, Hội An. (Ảnh: V.V.H)
Ở Hội An (tỉnh Quảng Nam), hiện có trên 20 kiểu mắt cửa khác nhau. Phần lớn có dạng hình tròn, hình lục giác, hình bát giác hoặc cắt khấc thành 6 hoặc 8 đầu cánh hoa cúc; một số ít có dạng hình vuông, hình nửa khối cầu dẹt… Tán mắt cửa được chia thành hai phần: phần tâm và phần vành. Phần tâm thường trang trí hình lưỡng nghi sơn hai màu đen trắng, hình nhụy hoa, hình chữ triện, chữ phúc, chữ thọ… Còn phần vành bao quanh bên ngoài tâm, tạo dáng hoa cúc 6 hoặc 8 cánh mà cánh của nó xoáy hình lá đề, hình bát quái, hình hồi văn, hình giao long, hình bốn hoặc năm con dơi bao quanh chữ phúc, có mắt cửa chỉ có một chữ thọ, hoặc tạo một gờ chỉ nổi phía bên ngoài vây lấy tâm…
Ở một số mắt cửa hình vuông thì phần vành của nó không được trang trí. Ngoài ra ở một số đền miếu, hội quán, mắt cửa có trang trí khác. Ví như mắt cửa ở miếu Quan Công có dạng hình tròn, phần tán được chạm nổi mặt con lân miệng đang há to, mắt trắng, mi xanh, mũi đỏ, râu bạc trông rất dữ tợn. Mắt cửa ở hậu cung Hội quán Phúc Kiến sơn son thếp vàng, phía trên chạm đôi rồng chầu mặt trời, phía dưới là đôi giao long chầu mặt trăng, chính giữa là vòng tròn âm dương. Mắt cửa ở chùa Cầu trên tán có chạm nổi hình bốn hoa cúc dây bao bọc xung quanh, xoáy lưỡng nghi nằm ở giữa…
Một số người cho rằng: “Người Hội An quan niệm con người và con vật đều có mắt để nhìn đời và nhìn vào lòng mình, thì đồ vật gắn với con người cũng phải có mắt”. Tuy nhiên, chúng ta thấy nhiều đồ vật khác, cũng gắn chặt với cuộc đời của mỗi con người ở Hội An sao không có mắt? Và nhận định: “Các thuyền ghe ở Hội An cũng được vẽ vào hai bên mũi thuyền hai con mắt rất to và rõ để nhìn thấy mọi tai ương trên biển khơi. Cái nhà, nơi con người sống cả đời trong đó cũng phải có đôi mắt để bảo vệ mình và cũng mở cửa tâm hồn mình với xã hội”. Điều này hẳn ai cũng biết, không chỉ riêng Hội An mà tại nhiều địa phương ở nước ta và các quốc gia trên thế giới, ghe thuyền cũng thường được vẽ mắt.
Ở Ai Cập vào khoảng 2.700 năm trước Công nguyên (TCN), trên những chiếc thuyền lớn, cư dân cổ Ai Cập đã vẽ một con mắt của thần Osiris. Ở Hy Lạp và Ý vào khoảng 450 – 100 năm TCN, trên các mũi thuyền đều sơn những con mắt. Ở vùng Bali của Indonesia, trên những chiếc thuyền độc mộc người ta vẽ đầu con quái vật biển Makara. Còn ở Việt Nam, trên thạp đồng Đào Thịnh niên đại thế kỷ thứ I TCN có trang trí hình thuyền, ở mũi thuyền cũng có vẽ con mắt chim to tròn… Bởi người xưa quan niệm, chiếc thuyền cũng như một sinh vật, mỗi khi đi trên kênh rạch, ao hồ, sông, biển thường gặp những con quái vật gây hại đối với con người nên họ vẽ mắt ở hai bên mũi thuyền để các loài thủy quái không dám làm hại. Ngoài ra, ghe thuyền có mắt để dẫn con người đến những ngư trường có nhiều tôm cá.
Trong khi đó, tục vẽ mắt thuyền của người Việt có liên quan đến tục xăm mình của cư dân thuộc nền văn hóa Đông Sơn trong việc chống lại các loài thủy quái dưới biển. Sách Hán thư và nhiều bộ cổ sử khác của Trung Quốc đã viết: “Người Việt vẽ mình, cắt tóc để tránh cái hại giao long”. Trong Lĩnh Nam chích quái cũng đề cập: “Dân sống ở rừng và chân núi xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Vua cho rằng: “Giống sơn man và giống thủy tộc khác hẳn nhau, giống thủy tộc yêu kẻ giống mình ghét kẻ khác mình cho nên hại nhau’. Bèn bảo người đời lấy mực xăm vào mình hình Long Quân, theo dạng thủy quốc. Từ đó, dân không bị tai họa giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đấy”.
Có lẽ vì vậy, đôi mắt thuyền chính là hình ảnh tái hiện mắt “thuồng luồng”, một loài sinh vật huyền thoại mang nhiều quyền năng liên quan đến sông nước. Đôi mắt hiện hữu trên mũi thuyền nhằm chống chọi lại những sinh vật huyền thoại, đôi khi người ta cũng muốn linh thiêng hóa chiếc thuyền trở thành một vật thiêng, có sức sống nhằm cầu mong việc đi lại bằng đường thủy được bình yên và đánh bắt thủy hải sản được đắc lợi.
Trở lại với mắt cửa. Việc trang trí mắt cửa ở khu phố cổ Hội An, phải chăng là một trong những hình thức thờ “Môn thần” trong tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Hoa? Bởi ở Hội An, mắt cửa chỉ tập trung trong những di tích kiến trúc dân dụng và kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa, nhưng rất hiếm thấy trên những ngôi nhà, đình, chùa của người Việt. Trong khi đó, làng mộc Kim Bồng – nơi sản sinh ra những nghệ nhân góp phần hình thành nên quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An thì trong những ngôi nhà của họ lại không chạm khắc trang trí mắt cửa.
Hiện nay trong nhiều ngôi nhà của người dân tộc Bạch, nằm cách trung tâm thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khoảng 40km, trên các cánh cửa, cổng ra vào nhà có trang trí nhiều mắt cửa, tuy kiểu thức chạm khắc trang trí không phong phú như ở Hội An, theo họ, đây là hình thức tín ngưỡng thờ Môn thần (thần Cửa) của mình.
Có thể nói, ban đầu mắt cửa là chi tiết kiến trúc, về sau phát triển thành một vật gắn với tín ngưỡng thờ Môn thần của người Hoa. Mắt cửa thể hiện cho khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được hoạn nạn, rủi ro, tránh không cho tà ma xâm phạm vào nhà, gây nên bệnh tật, gia đình xào xáo, việc làm ăn bị thất bại…
Ngày nay, trong các gia đình người Hoa ở khu phố cổ Hội An, thần Cửa ít được cúng bái, hằng đêm người ta chỉ cần cắm hai bên cánh cửa một cây nhang là đã thể hiện lòng tôn kính của gia chủ đối với các thần
Sưu tầm