Cập nhật: 29/08/2017 14:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam chỉ mất khoảng 20-22 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Vì thế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Ngày 28-8, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới WHO tổ chức Hội thảo tập huấn hướng dẫn triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) giai đoạn 2017 - 2025.

Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030, sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người.

“Sự chuyển đổi nhân khẩu lớn lao này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương, tới mọi cộng đồng và mỗi gia đình, đòi hỏi hệ thống chăm sóc xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi phù hợp” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhận định.

Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp; đời sống vật chất còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, sức khỏe của người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình của Việt Nam cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng cao. Gánh nặng bệnh tật kép (khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền). Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc ba bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng này.

“Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là không lây nhiễm và mạn tính, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhận định.

17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động

Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 đã được Bộ Y tế ban hành từ ngày 30-12-2016 trên toàn quốc, gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ưu tiên các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cao về người cao tuổi, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ cao người cao tuổi gặp khó khăn, dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng bày tỏ, để giải quyết những thách thức hiện nay và trong tương lai, các ngành, các cấp và các địa phương cần nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số và lồng ghép, triển khai các hoạt động chăm sóc người cao tuổi vào các chương trình, chính sách phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi

Ngày 22-3, trong hướng dẫn kế hoạch về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) năm 2017, Bộ Y tế giao chỉ tiêu cơ bản 15% người cao tuổi được chăm sóc toàn diện, khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi ốm đau tại cơ sở y tế. Đồng thời, tăng thêm 10% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm.

Ngày 24-3-2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1439/BYT-TCDS về hướng dẫn kế hoạch về xây dựng và triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế (đầu mối là Chi cục DS - KHHGĐ) phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án/kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện. Hiện nay, đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị, Tổng cục DS-KHHGĐ cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai Đề án, đôn đốc, kiểm tra, giám sát triển khai các hoạt động cả Trung ương và địa phương.

“Bệnh viện Lão khoa cần tiếp tục phát huy vai trò là bệnh viện chuyên khoa hàng đầu về Lão khoa, là tuyến cao nhất trong hệ thống thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong cả nước” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ đề nghị các tỉnh, thành phố đã xây dựng Đề án/kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Những tỉnh, thành phố còn lại khẩn trương tham mưu xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động để triển khai thực hiện.

Tại sự kiện này, Tổng cục DS - KHHGĐ và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2020.

 

Theo HOÀNG LÂM/ nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm