Nghị định thay thế Nghị định 109 được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho hoạt động XK gạo.
Xuất khẩu (XK) gạo đang gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn cung dư thừa, nhu cầu giảm sút. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 về kinh doanh, XK gạo đang nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp và các địa phương, với kỳ vọng tháo gỡ về cơ chế chính sách, tạo điều kiện gia tăng XK.
Nhanh chóng “cởi trói” cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của Bộ Công thương, sau nhiều năm triển khai, Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh XK gạo (Nghị định 109) đã có tác dụng sàng lọc, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài. Hiện số lượng thương nhân tương đối ổn định với 150 doanh nghiệp (DN), năng lực kho chứa, xay, xát, sấy lúa được cải thiện. Các thương nhân cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc gạo với người nông dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh XK gạo đang gặp nhiều khó khăn, những điều kiện kinh doanh XK gạo quy định trong Nghị định 109 như bắt buộc có kho chứa, cơ sở xay, xát… đã không còn phù hợp khi nhiều DN sản xuất, XK mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ khó đáp ứng. Nghị định cũng bộc lộ nhiều bất cập trong dự trữ lưu thông, hợp đồng XK gạo tập trung; đăng ký hợp đồng XK gạo; quy định về giá sàn; công tác điều hành và trách nhiệm các bộ, ngành…
Do đó, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 đang được Bộ Công thương nhanh chóng sửa đổi nhằm đổi mới, hoàn thiện về thể chế, khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh XK gạo và công tác điều hành XK gạo theo hướng xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, hiệu quả, tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động XK gạo.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109 về kinh doanh XK gạo có những điểm chính đáng chú ý như không bắt buộc thương nhân phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc, gạo. Để đáp ứng các điều kiện kinh doanh, thương nhân có thể sở hữu hoặc thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh XK gạo. Đặc biệt, đối với việc XK mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, thương nhân được XK không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận, chỉ cần thông báo hợp đồng XK với Bộ Công thương.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để đẩy mạnh cải cách hành chính như đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại và điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận cho thương nhân theo hướng bỏ quy định thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận điều kiện kinh doanh của Sở Công thương cấp tỉnh. Cụ thể, thương nhân không cần phải thực hiện thủ tục đề nghị Sở Công thương kiểm tra, xác nhận bản kê kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo; thay vào đó là cơ chế thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về cam kết đáp ứng điều kiện kinh doanh, Sở Công thương chỉ hậu kiểm sau khi thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận. Đồng thời, bỏ quy định tại Điều 18 về tiêu chí đăng ký hợp đồng XK gạo và Điều 19 quy định giá sàn gạo XK. Điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5% lượng gạo thương nhân đã XK trong sáu tháng trước đó. Thương nhân cũng không phải đăng ký hợp đồng XK gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mà chỉ cần thông báo hợp đồng XK gạo trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương.
Dự thảo còn bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương trong công tác điều hành XK gạo; cơ chế điều tiết giá cả thóc, gạo hàng hóa, bình ổn thị trường nội địa, phát triển thị trường XK; ký kết, tổ chức thực hiện các bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước... Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 được Bộ Công thương xây dựng theo tinh thần kiến tạo, xây dựng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Dự thảo đã được gửi đến Bộ Tư pháp để xin ý kiến, sau đó gửi Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình phê duyệt sẽ tiếp tục rà soát các điều kiện còn vướng mắc nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN”.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Gạo là một trong những mặt hàng XK chủ lực của nước ta nên dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng DN. Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Công ty Loan Hùng (Đồng Tháp) cho biết, để Nghị định này thực sự mang lại lợi ích cho DN, điều kiện quan trọng là cần sắp xếp lại quy trình sản xuất lúa gạo theo chuỗi, từ chọn giống, gieo trồng, thu mua, xay xát, làm thương hiệu đến XK.
“Khi hạt gạo nâng tầm giá trị nhờ được sản xuất theo chuỗi, DN sẽ là người chủ động trong hoạt động thu mua XK theo chơ chế của thị trường. Nhà nước chỉ đóng vai trò hoạch định chiến lược, tham gia điều tiết thị trường, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho DN”, bà Phạm Hồng Loan nói.
Đồng ý kiến với dự thảo của Bộ Công thương, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng việc bỏ giá sàn XK gạo sẽ giúp thúc đẩy XK gạo cởi mở hơn, tích cực hơn. Đồng thời, việc DN thông báo hợp đồng XK gạo trên Cổng thông tin Bộ Công thương là hoàn toàn phù hợp, bởi Bộ Công thương là bộ chủ quản quản lý XK gạo, cấp giấy phép cho DN nên thông báo trên cổng thông tin điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập hợp thông tin về XK gạo, giúp DN giảm thời gian, chi phí đăng ký và đặc biệt là không rò rỉ thông tin về hợp đồng của mình.
Ông Lâm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, góp ý thêm, các điều kiện XK được quy định trong Nghị định 109 cần hướng đến những quy định về chất lượng cho từng loại gạo theo một bộ tiêu chuẩn gắn với thương hiệu quốc gia bởi chất lượng gạo là yếu tố quan trọng quyết định sức cạnh tranh của DN XK hiện nay. Mặt khác, nên để cho các DN nhỏ tự XK các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam với khối lượng nhỏ để họ có thể khai phá các thị trường khó tính, thị trường ngách. Nhà nước nên đóng vai trò cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá gạo và tiếp cận hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Theo HÀ ANH/nhandan.com.vn