Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, tuần qua (từ 21-8 đến 27-8), cả nước ghi nhận 6.292 trường hợp mắc sốt xuất, giảm 11,4% so với tuần trước và không có ca nào tử vong.
Từ đầu năm đến ngày 30-8-2017 cả nước ghi nhận 108.925 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 91.656 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (63.850/19) số mắc nhập viện tăng 43,5%, số tử vong tăng bảy trường hợp.
Hiện nay, số mắc tập trung cao nhất tại miền nam (51,2%), sau đó là miền bắc (31,3%), miền trung (14,3%), khu vực Tây Nguyên (3,2%). Tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất tại miền trung (120,4), tiếp theo miền nam (104,4), khu vực Tây Nguyên (75,5), miền bắc (68,7).
Tỷ lệ các ổ dịch được phát hiện, xử lý rất cao (92%), cao nhất là miền Trung (100%), tiếp theo là miền nam (96,5%), Tây Nguyên (86,7%), miền bắc (80%).
Khu vực miền bắc, miền trung, Tây Nguyên chủ yếu ghi nhận số trường hợp mắc là lứa tuổi người lớn trên 15 tuổi. Khu vực miền nam chủ yếu ghi nhận ở lứa tuổi trẻ em dưới 15 tuổi.
Về lâm sàng, theo các chuyên gia truyền nhiễm, trong tổng số các ca mắc có 98,1% là sốt xuất huyết và sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo (cùng kỳ năm 2016 là 97,5%); 1,9% được phân loại là sốt xuất huyết Dengue nặng (cùng kỳ 2016 là 2,5%). ”Tuýp vi rút lưu hành hiện nay trên cả nước chủ yếu vẫn là D1, D2 (với 95%), ngoài ra có D3, D4 chiếm tỷ lệ nhỏ“ – ông Trần Đắc Phu cho biết.
Hà Nội hiện vẫn là tỉnh có số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước, tới 22.807 trường hợp, bảy trường hợp tử vong. Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Hoàng Mai (3.507), Đống Đa (3.396), Hai Bà Trưng (1.995), Thanh Xuân (1.844), Hà Đông (1.472), Cầu Giấy (1.375), Thanh Trì (1.278), Ba Đình (1.152), Nam Từ Liêm (799), Thanh Oai (722), Hoàn Kiếm (549), Thường Tín (537).
Tuần qua, Hà Nội cũng giảm số ca mắc sốt xuất huyết tới 612 trường hợp. Số mắc chững lại và có xu hướng giảm tại các quận nội thành sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống trong thời gian qua. Hà Nội được nhận định lưu hành tuýp huyết thanh gây bệnh chủ yếu là tuýp huyết thanh D1 và D2, ngoài ra có D4 nhưng với số lượng nhỏ.
Về công tác giám sát côn trùng, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết kết quả đánh giá phun hóa chất sau một ngày cho thấy hiệu quả cao. Tại tất cả các điểm phun qua giám sát không còn muỗi trưởng thành. Chỉ số mật độ muỗi tại tất cả các điểm giám sát sau phun đều bằng 0. Hoạt động giám sát bọ gậy (chỉ số BI) được triển khai sau khi tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và sau hoạt động của đội xung kích. Các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng được triển khai trước phun và làm thường xuyên hàng tuần sau phun.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, công tác chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội đã hiệu quả hơn. Hai tuần qua, Thủ đô và cả nước không ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, trước thực tế công tác phòng chống dịch hiện nay, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục tăng cường chống dịch, trong đó thực hiện tốt hơn nữa việc tìm diệt bọ gậy, nhân rộng kinh nghiệm hay của những quận huyện làm tốt và xử phạt những trường hợp không hợp tác chống dịch.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang có diễn biến phức tạp vì thời điểm hiện nay bắt đầu vào tháng cao điểm sốt xuất huyết như những năm trước. Vì thế, về lâu dài đối phó với dịch bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cần mở rộng việc thả muỗi chứa tác nhân sinh học Wolbachia tại đất liền để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.
Thứ trưởng nhấn mạnh, vài ngày nữa là ngày hàng triệu các em học sinh đến lớp. Nguy cơ lây lan trong học sinh, sinh viên do học sinh, sinh viên rất cao. Đặc biệt các học sinh, sinh liên ngoại tỉnh lên Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thuê nhà trọ. Vì thế, toàn ngành y tế không được lơ là, chủ quan mà cần tiếp tục chủ động đối phó với dịch, nhất là ở những địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết vẫn cao.
Theo HOÀNG LÂM/nhandan.com.vn