Trong khi sốt xuất huyết có vẻ chững lại thì tay chân miệng và đau mắt đỏ lại đang có dấu hiện gia tăng. Dịch bệnh vẫn tiếp tục bủa vây trường học là mối lo ngại của rất nhiều bậc phụ huynh khi hàng triệu trẻ em trên khắp cả nước sắp bước vào ngày tựu trường.
Sốt xuất huyết chững lại, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 30-8-2017, cả nước ghi nhận hơn 100 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 26 trường hợp tử vong. Trong đó có gần 92 nghìn trường hợp nhập viện. Tại Hà Nội, tính từ 1-1-2017 đến 28-8-2017 ghi nhận hơn 22 nghìn trường hợp mắc SXH, bảy trường hợp tử vong.
Đến thời điểm hiện nay, dịch đã có xu hướng chững lại và giảm, cụ thể, số mắc trong tuần từ ngày 21-8 đến ngày 27-8 (gần 3.000 trường hợp), giảm hơn so với tuần trước (hơn 3.500 trường hợp).
Tại Hà Nội, hiện đã giảm xuống 18% ca mắc SXH, các bệnh viện đã giảm đến 40-50% bệnh nhân nhập viện, tình hình dịch đã có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ngành y tế không được chủ quan lơ là vì thời điểm được coi là đỉnh dịch hàng năm là tháng 9, 10. Hiện nay các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thanh Hóa cũng xuất hiện dịch sốt xuất huyết. Do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo các tỉnh phải có biện pháp phòng chống dịch như Hà Nội đang làm để hạn chế dịch bệnh.
TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét ký sinh trùng TW cho biết, việc phun hóa chất trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua chưa triệt để, vẫn còn tồn tại những ổ dịch là do cơ quan chức năng đi phun vào ngày thường, thời điểm người dân đi làm, vắng nhà. Do vậy, cần phun vào ngày nghỉ để các gia đình có nhà thì mới đạt hiệu quả cao. Đồng thời, phải tuyên truyền cho người dân hiểu, không nên để ổ bọ gậy trong nhà. Không thể trông chờ vào đội xung kích, vì đội này không thể hoạt động mãi được. Do đó, các chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm không có vắc xin phòng bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Chỉ còn vài ngày nữa hàng triệu học sinh sẽ bước vào khai giảng năm học mới. Đây sẽ là môi trường dễ lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết nếu không triệt để diệt lăng quăng, bọ gậy và phun thuốc trừ muỗi tại những nơi này. Vì thế, thời gian qua, Hà Nội đã rất quyết tâm khống chế các ổ dịch, thực hiện nhiều biện pháp xử lý muỗi, diệt lăng quăng tại các điểm trường học để bảo đảm tránh lây nhiễm tối đa cho các em học sinh.
Tay chân miệng đang gia tăng đáng lo ngại
Tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống do cả nước bắt đầu bước vào mùa tựu trường.
Trước dấu hiệu gia tăng của tay chân miệng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị quan tâm triển khai chống dịch.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3- 5 và tháng 9- 10.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sau mưa, đau mắt đỏ vào mùa dịch
Sau những đợt mưa lớn, dịch đau mắt đỏ nguy cơ lây lan và bùng phát nếu chúng ta không phòng ngừa và giữ vệ sinh cá nhân tốt.
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Vì thế, các chuyên gia truyền nhiễm khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Mọi người nên vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Với những người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
HOÀNG LÂM/NHANDAN.COM.VN