Chính phủ vừa thông qua phương án đơn giản hóa 46 thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ảnh minh họa: KT
Chính phủ vừa thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến thủ tục hành chính trong 7 lĩnh vực:
1- An toàn lao động (4 thủ tục);
2- Bảo trợ xã hội (11 thủ tục);
3- Giáo dục nghề nghiệp (8 thủ tục);
4- Lao động - tiền lương và quan hệ lao động (2 thủ tục);
5- Phòng chống tệ nạn xã hội (6 thủ tục);
6- Quản lý lao động ngoài nước (5 thủ tục);
7- Việc làm (10 thủ tục).
Trong đó, với lĩnh vực bảo trợ xã hội, đơn giản hóa thủ tục "Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (bao gồm cả đối tượng người khuyết tật đặc biệt nặng". Cụ thể, bỏ bản sao sổ hộ khẩu của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc văn bản xác nhận của công an cấp xã về việc cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013.
Sửa đổi Tờ khai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng (mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014) gồm: Bỏ các thông tin về chủ hộ (ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, giấy CMND, ngày cấp, nơi cấp, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại; bổ sung số định danh cá nhân; bỏ các thông tin về người đứng ra nhận chăm sóc nuôi dưỡng (ngày, tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi ở hiện tại; bổ sung só định danh cá nhân và nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
Bỏ các thông tin về vợ hoặc chồng của người đứng ra nhận chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng: Ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi ở hiện tại; bổ sung số định danh cá nhân; sửa đổi Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội.
Với lĩnh vực việc làm, đơn giản hóa thủ tục "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp". Cụ thể, sửa đổi Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015) gồm: Bỏ thông tin ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, dân tộc, tôn giáo, nơi thường trú, chỗ ở hiện nay; bổ sung mã số định danh cá nhân và nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
Cũng trong lĩnh vực việc làm, đơn giản hóa thủ tục "Cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng". Cụ thể, sửa đổi Giấy đề nghị vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Mẫu số 3a và 3b ban hành kèm theo Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015) gồm: Bỏ ngày tháng năm sinh, dân tộc, giới tính, số chứng minh nhân dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp); sửa đổi Giấy xác nhận thân nhân người có công với cách mạng (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015) gồm: Bỏ ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú đối với thông tin của thân nhân người có công với cách mạng; bổ sung số định danh cá nhân.
Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp vướng mắc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành có liên quan để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ trong quá trình thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết này./.
Theo PV/VOV.VN