Cập nhật: 04/10/2017 14:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong hai ngày 29 và 30-9-2017, tại Tuyên Quang đã diễn ra ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao trong thời kỳ đổi mới - hội nhập và phát triển bền vững đất nước”. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao trong nền văn hoá thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Trích đoạn đám cưới của người Dao đỏ tỉnh Tuyên Quang thu hút rất đông sự quan tâm chú ý của nhiều tầng lớp nhân dân tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Quang Quyết-TTXVN 

Dân tộc Dao và những nét văn hóa đặc sắc

Việt Nam - dải đất hình chữ S là tổng hòa của 54 dân tộc anh em, từ ngàn đời nay đã chung sống gắn bó, keo sơn. Trong đó dân tộc Dao nằm trong nhóm các dân tộc theo ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, với chữ viết riêng là nôm Dao. Hiện nay, người Dao ước tính có hơn 750.000 người, sống ở vùng lưng chừng núi hầu hết các tỉnh miền núi miền Bắc nước ta.

Với gần 100.000 người Dao cư trú trên địa bàn, Tuyên Quang là địa phương duy nhất của cả nước quy tụ đầy đủ chín ngành Dao: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài.

Về hoạt động sản xuất, người Dao phổ biến là làm nương, thổ canh trên hốc đá và canh tác ruộng. Cây lương thực chính của họ là lúa, ngô và các loại rau màu như bầu, bí, khoai... Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến ở các nhóm Dao và họ ưa dùng vải nhuộm chàm. Hầu hết các xóm tộc người Dao đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ, nhiều nơi còn làm súng hoả mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang. Người Dao cũng có nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức...

Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài, yếm, váy hoặc quần, y phục thêu rất sặc sỡ. Bộ y phục của người phụ nữ Dao là chiếc áo được thiết kế dài đến gần đầu gối. Cổ áo được thiết kế theo hình chữ V có thêu hoa văn, lưng áo cũng thêu hoa văn. Theo quan niệm của đồng bào Dao, nhìn vào cách thêu hoa văn ở phần đuôi áo của người phụ nữ sẽ biết được người phụ nữ khéo hay không, có đảm đang hay không. Còn đàn ông Dao, trước đây để tóc dài, búi sau gáy hoặc để chỏm tóc dài trên đỉnh đầu, xung quanh cạo nhẵn.

Mặc dù sống ở khu vực núi và địa bàn riêng biệt, nhưng phương tiện vận chuyển của đồng bào Dao vẫn có nhiều nét tương đồng với các dân tộc khác về chủng loại, cách thức chế tác và chức năng sử dụng. Để chuyển hàng họ thường dùng địu, quẩy tấu (một loại sọt) hay lù cở (giống gùi) có hai quai đeo phía sau, để lên rừng hái quả hoặc thu hoạch nông sản. Ở những vùng thấp hơn, người Dao thường dùng đôi dậu để gánh lúa, ngô và những vật dụng khác.

Dù sinh sống ở nhiều vùng miền, nhưng sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao vẫn mang tính chất khép kín, thể hiện qua phong tục tập quán, qua hôn nhân. Khi dựng vợ gả chồng cho con cái, đồng bào Dao chỉ mong gả trong cộng đồng dân tộc mình.

Có thể nói, đồng bào Dao ở Tuyên Quang có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với nhiều phong tục, nghi lễ, nghệ thuật đặc sắc. Theo ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, “văn hóa dân tộc Dao rất sống động và đa dạng, các nhánh Dao cũng tương đối phong phú, mỗi nhóm đều có những nét đặc trưng riêng biệt, tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh đa sắc, nhiều giá trị độc đáo của dân tộc này”.

Tục thờ cúng: Đối với người Dao, việc thờ cúng đặc biệt được chú trọng, vì vậy các nghi lễ liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được đồng bào duy trì, thể hiện với những nghi lễ độc đáo, đặc sắc. Nghi lễ thờ cúng nói chung của người Dao mang đậm tính nhân văn, hướng con người nhớ đến nguồn cội, xua đuổi cái ác và là sợi dây liên kết cộng đồng sâu sắc. Trong nghi lễ thờ cúng, người Dao sử dụng nhiều tranh cúng và mỗi dịp lễ, Tết, lại có những loại tranh cúng riêng; trong đó phổ biến là bộ tranh Tam Tượng (hay còn gọi là Tam Thanh) và bộ Đại Đường Quân. Tranh thờ không chỉ là tín ngưỡng mà còn thể hiện niềm tin của người Dao với cuộc sống. Đồng bào quan niệm, các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc và sẵn sàng phạt người nào định làm điều ác. Chỉ cần nhìn ngắm bức tranh có các vị thần được khắc họa oai nghiêm là những ai có ý định làm việc xấu sẽ phải dừng lại.

Lễ cấp sắc: là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc Dao. Theo quan niệm của đồng bào, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng. Lễ cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, với rất nhiều nghi lễ đa dạng và độc đáo của các ngành đồng bào Dao. Mỗi ngành Dao đều có không gian hành lễ, mang đặc trưng riêng. Với những giá trị đặc sắc, nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hát Páo Dung: được coi là như một trong những báu vật văn hóa của dân tộc Dao. Hát Páo Dung thể hiện những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Ở mỗi ngành Dao, Páo Dung lại được biểu diễn khác nhau, có vùng thì với âm điệu trầm kéo dài, có vùng âm điệu lại cao, bay bổng. Tuy có sự khác nhau về cách thể hiện giữa các ngành Dao, nhưng những làn điệu Páo Dung của đồng bào Dao ở Tuyên Quang đều có nét chung là đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo. Với những nét độc đáo, nghệ thuật hát Páo Dung cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại thành phố Tuyên Quang, với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, cùng sự tham gia của một số đoàn đại biểu quốc tế.

Trong khuôn khổ ngày hội, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, Ban tổ chức mời nhiều nghệ nhân đến từ các bản làng của người Dao để trình diễn những giá trị đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Dao, phản ánh đúng hơi thở cuộc sống, văn hóa của đồng bào chứ không phải là hình thức sân khấu. Đêm khai mạc sẽ là điểm nhấn đặc sắc nhất của Ngày hội với việc tái hiện một số nghi lễ độc đáo của người Dao: Nghi lễ cấp sắc của các nhóm Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Trắng; đón dâu trong đám cưới người Dao; trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Dao. Đặc biệt, trang phục trong phần trình diễn này sẽ rất đa dạng, vì là sự kết hợp của 12 tỉnh tham gia ngày hội… Đây sẽ là những tiết mục, phần trình diễn mà không phải lúc nào nhân dân và du khách cũng có cơ hội được thưởng thức.

Song song với các chương trình nghệ thuật, ẩm thực, lễ hội... các đoàn tham gia cũng có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn của Thủ đô gió ngàn, quê hương cách mạng.

Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc năm nay diễn ra đúng dịp Lễ hội Thành Tuyên năm 2017 - một lễ hội độc đáo mang dấu ấn riêng có của Tuyên Quang (từ ngày 29-9 đến 4-10). Đây là dịp để Tuyên Quang giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di đặc sắc về lịch sử, văn hóa của mình. Qua đó, từng bước xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia và khu vực, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh ngày càng phát triển, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư cũng như du khách đến với Tuyên Quang…

 

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm