Cập nhật: 08/10/2017 10:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chín tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực, với tốc độ tăng trưởng cải thiện rõ nét qua từng quý; thị trường mở rộng, lạm phát được kiểm soát, môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện rõ nét, xuất khẩu, thu hút khách quốc tế, dòng FDI … tăng khá.


Thứ nhất, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố cho biết, Việt Nam được lên hạng 55 (đứng thứ 7 về tỷ lệ nhập khẩu và thứ 11 về tỷ lệ xuất khẩu so với GDP), tức tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm.

Theo Quyết định số 3610a/QĐ-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 20-9-2017, giai đoạn 2017 – 2018 bộ này sẽ cắt giảm tới 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, tức tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện hành trong chức năng quản lý của mình; tạo nhiều xung lực và kỳ vọng mới về môi trường đầu tư trong nước sẽ ngày càng minh bạch, thông thoáng, bình đẳng để người dân, DN tự tin đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước.

Ngày 9-9, các nước ASEAN và Khu Hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) đã kết thúc đàm phán và sẽ ký vào tháng 11/2017 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và một thỏa thuận về trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế, kỹ thuật và các cơ chế giải quyết tranh chấp".

Thứ hai, duy trì động lực tăng trưởng, tạo cơ sở để lần đầu vượt cả 13 chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2017

Theo Tổng cục Thống kê, trong chín tháng 2017 kinh tế cả nước ước tăng 6,41% GDP, tức cao hơn mức tăng 5,99% cùng kỳ năm 2016 và cao hơn mức tăng 6,3% cho cả năm 2017 theo dự báo mà Ngân hàng phát triển châu Á công bố.

Hơn nữa, mức tăng GDP duy trì được xu hướng tích cực quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,15% GDP, quý II tăng 6,28% GDP và ước quý III tăng 7,46%). Theo thông lệ, quý IV luôn có mức tăng GDP cao nhất vì gắn với thời điểm các DN tăng tốc đầu tư và giải ngân nước rút, hoàn thành hợp đồng, đón bắt cơ hội mở rộng thị trường ngày lễ, tết.

Đồng thời, động lực tăng trưởng được duy trì khá cân đối trong các cơ cấu khu vực; với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (chiếm 14,66% GDP); công nghiệp và xây dựng tăng 7,17% (chiếm 32,50% GDP), dịch vụ tăng 7,25% (chiếm 42,67% GDP).

Kết quả trên đây là hội tụ của những cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, cũng như năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế; nhờ gia tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tăng 12,1% so cùng kỳ), với sự bùng nổ cả dòng vốn trong nước và từ nước ngoài. Tổng vốn FDI đăng ký mới, vốn đầu tư mở rộng và vốn góp, mua cổ phần đạt 25,5 tỷ USD (tăng 34,3%) và tổng vốn FDI thực hiện đạt 12,5 tỷ USD (tăng 13,4%). Tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động hơn 115 nghìn DN, vượt cả con số 110.100 DN thành lập mới cả năm 2016; trong khi chỉ có 57.721 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động. Tỷ lệ giãn cách giữa số DN khai sinh và quay lại hoạt động lần đầu tiên đã vượt gấp đôi số DN giải thể và dừng hoạt động trong cùng kỳ so sánh, cho thấy niềm tin và cơ hội thị trường đối với các DN Việt đang tốt lên rõ rệt (82% số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê khảo sát trả lời sản xuất kinh doanh của mình quý III ổn định và tốt hơn quý II; 87% còn khẳng định quý IV sẽ ổn định và tốt lên so với quý III vừa qua).

Ngoài ra, đó còn là nhờ Việt Nam đang kiểm soát khá tốt lạm phát, với Chỉ số CPI bình quân chín tháng tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,02% và từ ngày 10-7 NHNN đã giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng giảm 0,5%/năm.

Đó còn là kết quả từ mở rộng sức mua thị trường và những nỗ lực áp dụng công nghệ cao và tìm kiếm thị trường mới. Tính chung chín tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý là nhờ biển sạch trở lại, ngành thủy sản phục hồi và tăng trưởng chín tháng qua tới 5,42%, nên ngành nông, lâm, thủ sản nói chung đã tăng trưởng tới 2,78% tức gấp bốn lần tốc độ tăng cùng kỳ năm 2016. Đồng thời, nhờ gia tăng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và bảo quản, nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, nên kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng 45,6% so cùng kỳ năm 2016 và dự kiến đạt hơn 3 tỷ USD cả năm 2017, vượt xa xuất khẩu dầu mỏ. Thị trường gạo cũng khởi sắc, bởi sự phục hồi giá xuất khẩu và có thêm nhiều hợp đồng tiêu thụ lớn…. Tất cả cho thấy tác động bước đầu tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu của Việt Nam.

Kết quả trên tạo cơ sở và lòng tin để Việt Nam tăng tốc về đích tăng 6,7 % GDP cả năm, qua đó, góp phần bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công và thâm hụt NSNN, cải thiện an sinh xã hội. Đặc biệt, nếu không có gì biến động lớn, Việt Nam sẽ lần đàu tiên đạt và vượt mức cả 13 chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2017.

Thứ ba, sức mua cải thiện và thu hút khách du lịch

Tính chung chín tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 9%).

Cả nước thu hút được hơn 9,4 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ tư, cải thiện về thu NSNN, áp lực nhập siêu và chảy máu ngoại tệ

Hoạt động NSNN có sự cải thiện tích cực với lũy kế tổng thu NSNN ước bằng 69,5% dự toán cả năm, tăng 13,9% so cùng kỳ; Mức thâm hụt NSNN ước 61,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 34,5% dự toán và bằng 1,8% GDP (giảm mạnh hơn hai lần so với cùng kỳ 2016 là 5,01% GDP).

Tổng nhập siêu cả nước chín tháng là 3,31 tỷ USD, trong đó nhập siêu dịch vụ 2,81 tỷ USD, bằng 28,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Đặc biệt, do tổng nhập khẩu (lớn nhất là máy móc, thiết bị và linh kiện trung gian) từ Hàn Quốc tới 33,9 tỷ USD, tăng 46,5%, khiến Hàn Quốc vượt Trung quốc để trở thành thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất tới 23,3 tỷ USD, dù xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 10,6 tỷ USD, tăng 27,3%.

Tuy nhiên, áp lực cho thị trường tài chính vẫn căng thẳng do nợ xấu tăng từ 2,6% cuối năm 2016 lên mức 2,9%, chưa kể nợ xấu tồn đọng ở VAMC và nợ xấu tiềm năng trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu mới về quản lý nhà nước trước áp lực giảm kiều hối và tăng dòng chảy máu ngoại tệ…

 

Theo TS NGUYỄN MINH PHONG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm