Cập nhật: 10/10/2017 14:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc mua bán, sử dụng thuốc, nhất là các loại kháng sinh dễ dàng như hiện nay đã làm tăng chi phí y tế và gánh nặng bệnh tật. Trước thực trang đó, Bộ Y tế yêu cầu tới đây các nhà thuốc đạt GPP (thực hành nhà thuốc tốt) cần ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hệ thống camera để quản lý việc bán thuốc theo đơn. Cục Quản lý dược cần sớm thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, đặc biệt là các thành phố lớn.

Thói quen dùng thuốc tràn lan đã gây ra những hệ lụy vô cùng nguy hại. Ảnh: HẢI NAM

Mối lo hết thuốc chữa nhiễm trùng

Hơn 10 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện (BV) E T.Ư, bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hà (54 tuổi) ở Nghĩa Tân (Hà Nội) vẫn sốt và khó thở vì biến chứng viêm phổi. Mệt mỏi vì nhiều đêm thức trắng chăm chồng, bà Lê (vợ bệnh nhân Hà) chia sẻ: “Mới đầu, ông ấy chỉ bị sốt và húng hắng ho, cứ nghĩ bị cảm cúm và viêm họng nên như mọi lần, tôi lại ra hiệu thuốc mua ít thuốc hạ sốt và kháng sinh cho ông ấy uống. Tuy nhiên, sau năm ngày uống hết chỗ thuốc tôi mua, bệnh lại nặng thêm, buộc tôi phải đưa ông ấy vào viện cấp cứu. Tại đây, sau khi khám, xét nghiệm, chụp X-quang, bác sĩ cho biết chồng tôi bị biến chứng viêm phổi nặng do dùng thuốc không đúng loại”.

GS,TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E T.Ư lo lắng cho biết, BV đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân nguy kịch về sức khỏe do tự ý uống thuốc mỗi khi đau ốm, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Việc sử dụng thuốc tràn lan, bừa bãi, nhất là với các loại thuốc kháng sinh đang dẫn tới những hệ lụy vô cùng nguy hại.

PGS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết tình trạng kháng thuốc, đặc biệt các vi khuẩn đa kháng hoặc siêu đa kháng thuốc đã đến mức báo động. Là đơn vị theo dõi mạng lưới kháng thuốc của nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư phát hiện thời gian gần đây tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn phế cầu gia tăng và được ghi nhận ở khoảng 30% - 40% số bệnh nhân.

Trong khi đó, vi khuẩn phế cầu rất nguy hiểm. Loại vi khuẩn này cư trú ở vùng hầu họng của người trưởng thành, dẫn đến các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Tệ hơn, trong trường hợp một bệnh nhân bị mắc vi khuẩn phế cầu nếu kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh thì nguy cơ tử vong rất cao.

PGS, TS Nguyễn Văn Kính cũng cảnh báo, với tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan, thiếu cân nhắc như hiện nay, thì chỉ sau 10 - 20 năm, chúng ta sẽ không còn thuốc chữa các bệnh nhiễm trùng. Vì kháng thuốc, con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt chảy máu do bị nhiễm trùng.

Ứng dụng công nghệ quản lý bán thuốc theo đơn

Ths, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư “mổ xẻ” nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhờn” thuốc kháng sinh như hiện nay. Trước tiên, là người dân có thể tự mua kháng sinh dễ dàng, chỗ nào cũng mua được dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi. Một số bệnh lý không cần kháng sinh người ta vẫn sử dụng khiến cho vi khuẩn kháng thuốc.

Thứ hai, việc kê đơn của thầy thuốc cũng gây nên tình trạng kháng kháng sinh. Lý giải điều này, BS Cấp cho rằng trở ngại lớn nhất của thầy thuốc là bệnh nhân lười tái khám, tự dùng thuốc. Đôi khi có bệnh lý nếu như được thầy thuốc theo dõi sát, bệnh nhân khám thường xuyên thì họ sử dụng kháng sinh thế hệ nhẹ, theo dõi không đỡ mới cho kháng sinh thế hệ cao. Nhưng nếu ở nhóm bệnh nhân lười tái khám thì những ngày sau diễn biến xấu đi, bác sĩ e ngại không theo dõi được ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân nên cho kháng sinh mạnh ngay từ đầu.

Thứ ba là nguy cơ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến vi khuẩn trong môi trường cũng trở nên kháng kháng sinh, khi gây bệnh cho người trở thành vi khuẩn kháng kháng sinh.

Thứ tư là tình trạng lây chéo do quá tải người bệnh dẫn tới một bệnh nhân có một vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác. Ở các nước khác, những bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc là họ cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.

Thứ năm là tình trạng dược sĩ là những người chưa đặt chân đến BV nhưng vẫn tư vấn chẩn đoán và bán thuốc. Thống kê cho thấy, trong hơn 5 năm qua, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp hai lần.

Để ngăn chặn mối đe dọa không có thuốc chữa được bệnh do vi khuẩn kháng thuốc gây ra, Bộ Y tế yêu cầu tới đây các nhà thuốc đạt GPP (thực hành nhà thuốc tốt) cần ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hệ thống camera để quản lý việc bán thuốc theo đơn. Cục Quản lý dược cần sớm thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, đặc biệt là các thành phố lớn.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, siết chặt công tác chống nhiễm khuẩn ở khu hậu phẫu, sử dụng kháng sinh hợp lý trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường, chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng và phải có chỉ định, cũng như đơn thuốc của bác sĩ.

Theo THANH HUYỀN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm