Ngoài những món trứ danh như: Bánh đa cua, bánh mỳ cay hay ốc biển xào… Hải Phòng còn nổi tiếng với bánh đúc Tàu - món ngon dân dã của người dân thành phố Cảng.
Khác với bột bánh đúc lạc sau khi nấu chín thường đổ ra mâm hay mẹt lá chuối, tạo hình tròn to hay nhỏ tùy ý thích, bột bánh đúc Tàu thường được đổ trong khuôn nhôm hoặc inox rộng bằng lòng mâm, cao khoảng 10 cm trở lên. Sau khi bánh được hấp chín, người ta đổ nhân bánh lên trên. Nhân bánh gồm những con tôm nhỏ chiên vàng, thịt ba chỉ thái mỏng xào với đu đủ xắt hạt lựu và mộc nhĩ đen thái sợi.
Để chế biến bánh đúc tàu người ta cho bột vào tô rồi đổ nước cốt dừa, nước lạnh vào trộn đều. Cho khuôn vào nồi trước cho nóng khuôn. Rồi múc chừng 1-2 muỗng bột cho vào khuôn sao cho vừa 1 lớp mỏng như đổ bánh da lợn. Đậy nắp vung lại cho lớp bột đó chín trong vòng 2-3 phút. Mở nắp ra thấy lớp bột trong thì đổ tiếp lớp khác. Cứ thế cho đến hết phần bột hoặc cho gần đầy khuôn thì dừng lại.
Trong lúc vừa đổ bánh hấp thì cho chảo lên bếp để nóng rồi cho thìa dầu ăn, chút tỏi vào phi thơm. Lần lượt cho hành tây, tôm, thịt, vào xào chín. Sau đó cho tiếp củ đậu và mộc nhĩ vào đảo đều cùng với thìa màu điều. Nêm nêm gia vị bột nêm, chút tiêu cho vừa ăn.
Khi phần bột đã đổ xong thì trút phần nhân vừa xào chín sang khuôn bánh. Hấp thêm chừng 5 phút thì tắt bếp. Để nguội rồi lấy khuôn bánh ra. Khi ăn thì gạt phần nhân sang 1 bên, lấy muỗng hoặc dao xắt miếng bánh đúc sao cho vừa ăn rồi bỏ vào tô, để nhân lên trên rồi rưới nước mắm chua ngọt lên trên.
Khay bánh đúc khi bày ra nhìn thật hấp dẫn: Trên nền trắng tinh của bánh là màu vàng đỏ của tôm, màu hanh đỏ của đu đủ và thịt xào có ướp chút màu điều và điểm xuyết màu đen của mộc nhĩ. Khách đến, người bán hàng thoăn thoắt xắn từng lát mỏng bánh đúc cho vào bát ăn cơm, xúc thìa nhân bày lên trên và cuối cùng là chan nước chấm chua ngọt.
Xúc một thìa bánh đúc với nhân và nước chấm. Chầm chậm nhai để thấy đủ vị hòa quyện, cái ngon, cái ngọt, cái đậm đà thật thấm: Bánh mềm nhưng vẫn có độ giòn, không nát; Con tôm giòn ngọt, thơm thơm; Miếng thịt dai dai, beo béo; Đu đủ man mát; Nước chấm thì đủ vị chua dịu của dấm, ngọt ngào của đường, mằn mặn, đậm đà của nước mắm và cả cái cay đến xuýt xoa của ớt./.
ST