Cập nhật: 20/10/2017 10:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thoái hóa khớp có biểu hiện lâm sàng bởi đau khớp và cột sống mạn tính, không có biểu hiện viêm.

Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm, những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Nguyên nhân chính của bệnh là quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải và kéo dài của sụn khớp.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp

Ở người trưởng thành các tế bào sụn không có khả năng sinh sản và tái tạo. Khi người ta già đi, cùng với sự lão hóa của cơ thể, các tế bào sụn cũng dần dần giảm chức năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysacarit, làm cho chất lượng sụn kém dần nhất là tính đàn hồi và chịu lực.

Thoái hóa khớp là một bệnh gặp khá phổ biến. Vị trí của thoái hóa khớp theo thứ tự là: cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối, khớp háng, khớp ngón tay và các khớp khác.

 

Các giai đoạn phát triển của thoái hóa khớp gối.

Các thể thoái hóa khớp

Theo nguyên nhân người ta chia thành 2 thể:

Nguyên phát: Nguyên nhân chính là do lão hóa, thường xuất hiện muộn ở người cao tuổi, thoái hóa ở nhiều vị trí, tiến triển chậm, tăng dần theo tuổi, mức độ không nặng.

Thứ phát: Do nguyên nhân cơ học, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, khu trú ở một vài vị trí, bệnh nặng và tiến triển nhanh.

Các giai đoạn của thoái hóa khớp

Giai đoạn tiền lâm sàng: Mặc dù có tổn thương thoái hóa về mặt sinh hóa và giải phẫu bệnh nhưng bệnh nhân chưa có biểu hiện lâm sàng mà có thể được phát hiện thông qua chụp Xquang.

Giai đoạn lâm sàng: Bệnh nhân có biểu hiện đau, hạn chế vận động, trên Xquang đã xuất hiện rõ tổn thương.

Làm sao nhận biết?

Bệnh nhân thoái hóa khớp thường đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Thường đau đối xứng hai bên, đau khu trú ở khớp hay đoạn cột sống bị thoái hóa ít lan xa, trừ khi có chèn ép vào rễ dây thần kinh.

Đau âm ỉ, có khi thành cơn đau cấp sau khi vận động ở tư thế bất lợi, đau nhiều về buổi chiều, giảm đau về đêm và sáng sớm. Đau diễn biến thành từng đợt, có khi diễn biến đau liên tục tăng dần. Đau không kèm theo các biểu hiện viêm.

Các khớp và cột sống bị thoái hóa sẽ bị hạn chế vận động một phần, có khi hạn chế nhiều do phản xạ co cứng cơ kèm theo. Bệnh nhân có thể không làm được một số động tác như không quay được cổ, không cúi được sát đất, một số bệnh nhân có dấu hiệu phá gỉ khớp.

Ngoài ra còn các biểu hiện: Teo cơ (do đau dẫn đến ít vận động); tiếng lạo xạo khi vận động, tràn dịch khớp (đôi khi thấy ở khớp gối).

Điều trị thoái hóa khớp thế nào?

Nguyên tắc chung trong điều trị thoái hoá khớp là làm giảm triệu chứng đau, duy trì hoặc điều trị phục hồi chức năng của các khớp, hạn chế sự tàn phế, tránh các tác dụng độc do dùng thuốc.

Điều trị không dùng thuốc

Hướng dẫn bệnh nhân vận động, tập thể dục, giảm cân, điều trị bằng phương pháp vật lí, lao động chữa bệnh.

Điều trị bằng thuốc

Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid: Đây là nhóm gồm nhiều thuốc, có tác dụng chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Các thuốc này thường dùng trong điều trị thoái hoá khớp vì vừa có tác dụng giảm đau, chống viêm. Tác dụng giảm đau trong điều trị thoái hoá khớp thường dùng với liều nhỏ hơn so với liều điều trị chống viêm. Vì tình trạng viêm trong thoái hoá khớp thường không nặng như trong các bệnh khớp khác. Khi dùng liều nhỏ các thuốc chống viêm giảm đau sẽ giảm nguy cơ tác dụng phụ trên ống tiêu hoá.

Chỉ nên lựa chọn 1 trong số các thuốc chống viêm giảm đau không steroid, không nên phối hợp 2 hay nhiều thuốc cùng nhóm vì tăng nguy cơ biến chứng nhưng tác dụng điều trị không tăng.

Có thể phối hợp thêm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc ức chế bơm proton hoặc misoprostol. Đề phòng biến chứng dạ dày tá tràng ở những bệnh nhân dùng thuốc kéo dài hoặc có yếu tố nguy cơ cao.

Các thuốc giảm đau đơn thuần

Các thuốc này có tác dụng giảm triệu chứng đau, không có tác dụng chống viêm. Paracetamol có tác dụng giảm đau tương tự ibuprufen trong điều trị giảm đau do thoái hoá khớp gối, nhưng tác dụng giảm đau kém hơn so với các thuốc chống viêm khác. Paracetamol có thể dùng cho những bệnh nhân đau vừa, đau nhẹ. Thuốc có thể dùng phối hợp với các thuốc giảm đau khác, hoặc các thuốc chống viêm nhưng phải thận trọng vì có thể ggay tác dụng phụ khó kiểm soát.

Các thuốc giãn cơ

Các thuốc chống co cứng cơ có tác dụng làm giảm đau do giãn co cứng cơ, giảm kích thích các rễ thần kinh có thể dùng một trong các thuốc như myonal, mydocalm, contratyl.

Tiêm ổ khớp: Thuốc corticoid dạng viên uống thường ít khi dùng để điều trị thoái hoá khớp. Thường dùng các thuốc dạng tiêm phóng thích chậm khi có đau khớp và có dấu hiệu viêm màng hoạt dịch thứ phát.

Viêm tràn dịch khớp gối do thoái hoá thường xảy ra khi có các mảnh sụn bị rạn bong trở thành các dị vật gây ra cơ chế phản ứng viêm khớp do vi tinh thể. Liều lượng corticoid tuỳ thuộc từng khớp, cách tiêm, số lần tiêm.

Ngoài ra, có thể sử dụng các chất nhầy là thuốc tổng hợp hoặc nguồn gốc tự nhiên của acid hyaluronic. Các thuốc có trọng lượng phân tử lớn, có độ nhớt cao. Khi tiêm trong ổ khớp có tác dụng giảm đau kéo dài và cải thiện phạm vi cử động khớp. Cơ chế tác dụng của thuốc chưa rõ. Tác dụng giảm đau có kéo dài trên 6 tháng sau đợt điều trị.

Một số thuốc có tác dụng dài làm giảm triệu chứng thoái hoá khớp như glucosamin sulfat và chondroitin sulfat. Đây được coi là chất dinh dưỡng bổ sung, có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp thuốc làm tăng hiệu quả điều trị.

Các phương pháp vật lý trị liệu Bất động tương đối với khớp viêm thoái hóa đợt cấp; xoa bóp, bấm huyệt quanh khớp, châm cứu; điều trị bằng nhiệt; điều trị bằng điện; điều trị bằng siêu âm; điện di ion.

 

Cấu tạo khớp háng bình thường và biểu hiện khi khớp bị thoái hóa.

Chế độ vận động: Hạn chế tải trọng lên khớp, không nên đi bộ nhiều, không đứng lâu, giảm cân nặng cơ thể; nên tập luyện các môn thể thao không gây gánh nặng cho khớp như đạp xe, bơi lặn, xà đơn xà kép…

Điều trị bằng phẫu thuật

Những bệnh nhân điều trị nội khoa không kết quả hoặc có ảnh hưởng lớn đến chức năng cử động khớp có thể dùng biện pháp can thiệp phẫu thuật. Hiện nay có thể phẫu thuật nhiều bệnh nhân thoái hoá khớp gối bằng nội soi cắt bỏ gai mâm chày, phục hồi các dây chằng.

Phẫu thuật sửa chữa chỏm xương đùi và ổ cối được chỉ định cho bệnh nhân thoái hoá khớp phản ứng.

Phẫu thuật thay toàn bộ khớp tổn thương bằng khớp nhân tạo được chỉ định cho những bệnh nhân đau nhiều, biến dạng khớp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân thoái hoá khớp.

Hiện nay có nhiều kĩ thuật mới, vật liệu mới, nên phẫu thuật thay khớp kết quả ngày càng cao.

BS. Mai Trung Dũng

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm