Với người dân Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, gạo Séng Cù đã trở thành niềm tự hào, khi đặc sản của đồng bào dân tộc vùng cao được nhiều người biết đến.
Về Mường Khương mùa này là lúc lúa Séng Cù chuẩn bị được thu hoạch, những cánh đồng Séng Cù chĩu bông, hạt chắc mẩy, bóng đẹp, hương thơm như tỏa ra trong không gian của núi rừng. Giờ đây nhiều người đã truyền tai nhau câu Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mường Khương mùa em thơm gạo Séng Cù.
Chất cơm thơm ngọt
Gạo Séng Cù được trồng chủ yếu tại 3 địa phương vùng cao gồm Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên được canh tác chủ yếu trên các vùng núi cao, nhiệt độ giao động trong khoảng 20 - 25℃. Đây là thứ gạo cổ truyền cũng là niềm tự hào của bà con dân tộc nơi đây. Gạo Séng Cù một năm chỉ có 2 vụ, vụ mùa và vụ chiêm, thu hoạch tháng 5 - 6 và tháng 10. Năng xuất không cao nhưng bù lại gạo lại có hàm lượng dinh dưỡng (tinh bột, protein, vitamin và khoáng chất) cao gấp 3 lần các loại gạo thông thường, nên gạo giá bán khá cao.
Mường Khương, Lào Cai là một trong những nơi có thế mạnh của loại gạo đặc sản này. Hầu hết diện tích lúa Séng Cù được gieo trồng ở chân đất vàn cao (dưới chân núi), ánh nắng mặt trời ít, khi thu hoạch sẽ có rất nhiều hoa lúa màu đen lẫn trong thóc. Thóc Séng Cù loại thóc thơm, có râu, hạt to, mập. Hạt gạo Séng Cù có đặc điểm là hạt dài, to, màu trắng ngà, không bóng bẩy, hạt gạo mẩy đều 10 hạt như một cho chất cơm thơm, ngọt đậm đà, vị bùi, nức tiếng thực khách, nhất là những người nơi xa khi đến với vùng Tây Bắc
Hơn nữa, do còn giữ phương thức canh tác cổ truyền có từ ngàn xưa của bà con người Thái, người Dao đã tạo cho gạo Séng Cù một hương vị rất đậm đà và đầy khác biệt. Cơm dẻo và dai, khi nguội cơm vẫn rất mềm và ngon. Bởi vậy, gạo được vinh danh là sản phẩm thượng hạng của riêng vùng đất Lào Cai và Tây Bắc. Món quà đầy ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè của những người khi có dịp lên Tây Bắc.
Cách nấu cơm ngon từ gạo Séng Cù
Nấu gạo Séng Cù cũng cần lưu ý khi vo gạo không nên xát mạnh tay mà chỉ nên khuấy nhẹ tay, gạn nước nhằm loại trừ trấu. Đong nước theo tỉ lệ số bát gạo bằng số bát nước và thêm 1/2 bát. Ví dụ nấu 1 bát gạo đong 1,5 bát nước, tương tự 2 bát gạo sẽ đong 2,5 bát nước.
Không mở nắp nồi trong lúc nấu cho đến sau khi cơm sôi được 15 phút. Dù nấu cơm bằng nồi gang hay nồi cơm điện đều nên nấu bằng nước sôi, lúc này hạt cơm sẽ dẻo hơn, các chất dinh dưỡng ít bị mất hơn. Vì khi nấu bằng nước sôi, lớp ngoài của hạt gạo co lại, tạo lớp màng bảo vệ hạt gạo không bị nứt, vỡ. Nấu cơm bằng nước lạnh, hạt gạo sẽ trương nở ra, các chất dinh dưỡng cũng theo đó mà tan ra trong nước. Nếu nấu cơm bằng lửa, khi cơm sôi, nên cho nhỏ lửa, đậy vung để giữ nhiệt, tránh tiếp xúc với không khí - yếu tố phá huỷ thêm các vitamin trong gạo. Với cách làm như vậy, lượng vitamin B1 được giữ lại sẽ nhiều hơn đến 30% so với cách nấu bằng nước lạnh.
Nếu muốn cơm bắt mắt hơn, khi nấu có thể thêm ít muối, bơ hoặc dầu để cơm bóng và hạn chế dính, cháy ở đáy nồi. Sau khi nấu xong, nồi chuyển sang chế độ giữ ấm, lúc này có thể rút điện ra và để yên không mở nắp trong vòng 10 - 15 phút, giúp cơm khô bề mặt, chín đều và hạt cơm không bị dính vào thân nồi. Kết thúc quá trình nấu, mở nắp, xới đều cơm bằng muỗng xới hay đũa và thưởng thức với các đặc sản gà rang, cá nướng, thịt gác bếp... của Tây Bắc thì còn gì bằng./.
ST