Có mặt trong triển lãm của các tỉnh biên giới tham gia Ngày hội giao lưu văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào tại Sơn La vừa qua, tại gian hàng quảng bá sản vật của Quảng Nam có một món bánh với hình thù độc đáo được mang ra giới thiệu - Bánh sừng trâu của đồng bào Cơ Tu.
Đặc sản của đồng bào Cơ Tu
Theo lời giới thiệu của chị Alăng Thị Nhâm, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, người đã cùng đoàn mang những thúng gạo nếp nương, nếp cẩm, lá đót… từ vùng biên giới Quảng Nam về đây, bánh sừng trâu là món đặc sản mà người lớn hay trẻ nhỏ ở quê hương chị đều biết.
Chiếc bánh nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay người lớn, hấp dẫn ngay từ hình dáng giống chiếc sừng trâu thu nhỏ, thon gọn nhưng cứng rắn, mang màu xanh đậm của lá rừng. Ngoài tên phổ biến là bánh sừng trâu, người Cơ Tu gọi bánh này là Avị Acuốt hoặc C’cót, bánh đót...
Cách làm bánh sừng trâu cũng không quá cầu kỳ, nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm. Công đoạn chuẩn bị để làm bánh sừng trâu phải kể tới lên núi hái cây lá đót. Loại cây có lá thon dài, được nhiều vùng miền núi phía Bắc và miền Trung sử dụng gói bánh, bông của loài cây này làm chổi đót phổ biến. Lá được dùng để gói bánh phải to bản, không bị rách, mang về rửa và lau sạch sẽ rồi ép nhanh để lá không khô. Ở nhà, người đàn ông cũng sắp sẵn lạt tre để gói bánh.
Bánh sừng trâu được làm từ loại gạo nếp nương có tên proong, thơm dẻo, vị béo bùi, chỉ có ở vùng miền núi Quảng Nam. Trung bình mỗi một kilogam gạo nếp có thể gói được hơn 20 cặp bánh. Khác với bánh chưng, bánh tét, để làm bánh sừng trâu không cần phải ngâm gạo trước khi gói và không cần nhân bánh. Người làm chỉ cần khum chiếc lá đót theo hình sừng trâu, đổ gạo vào và khéo léo uốn đầu bánh còn lại thành đầu nhọn, rồi dùng lạt buộc lại là đã xong phần gói bánh. Hai chiếc bánh sừng trâu sẽ buộc lại thành cặp, sau đó đem ngâm trong nước lạnh khoảng hai giờ đồng hồ cho gạo nếp ngấm nước, mềm hơn. Theo tiêu chuẩn của các bà, các mẹ dặn dò, nước để ngâm bánh cũng phải cầu kỳ hơn ngày thường, phải chọn nước nơi đầu nguồn con suối, đảm bảo sạch sẽ và tinh khiết. Sau đó bánh sẽ được mang đi luộc, với thời gian cũng chừng hai tới ba tiếng. Khi chín, bóc lớp vỏ bánh sừng trâu ra vẫn vương màu xanh của lá đót nhuộm, mùi hương hòa quyện giữa gạo nếp nồng nàn và mùi lá thơm mát khó quên.
Giới thiệu với du khách cách làm bánh sừng trâu
Bánh của lễ hội
Với người Cơ Tu, bánh sừng trâu không chỉ đơn thuần là loại bánh ăn chơi ngày thường, mà còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn, luôn có trong các dịp lễ tết quan trọng. Trong nhà, dù giàu nghèo thế nào, mâm lễ cúng dâng lên Giàng, các vị thần và ông bà, tổ tiên mỗi dịp lễ tết của đồng bào đều phải có bánh sừng trâu.
Lý giải về điều này, nhiều người liên hệ giữa vị trí quan trọng của con trâu trong đời sống hàng ngày của đồng bào ở nơi đây. Không chỉ là “đầu cơ nghiệp” như quan niệm của người miền xuôi, con trâu còn là biểu hiện cho sức mạnh của ngôi làng, là con vật hiến tế lên thần linh, là chiếc cầu nối của người Cơ tu với thần linh, trời đất. Bởi vậy, bánh sừng trâu mang trong mình ý nghĩa biểu tượng, như sự hiện hữu của lễ vật tâm linh của người Cơ Tu, vừa gửi gắm tâm nguyện có được cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, buôn làng được bình yên.
Bánh sừng trâu cũng được đồng bào dùng để mở hội mừng lúa mới, đám cưới, đám hỏi, đãi khách, khi đi xa. Khi đó, bánh sừng trâu sẽ được bày biện cùng cơm lam, thịt gác bếp, za zá (thịt rừng hay thịt ếch, chim, cá, gà... trộn với măng, ớt, nêm gia vị rồi cho vào ống nứa đem nướng lên), nhâm nhi kèm với rượu cần hoặc rượu Tà Vạt - một đặc sản khác của vùng đất này.
Vì bảo quản được lâu, nhiều gia đình người Cơ Tu cũng làm bánh sừng trâu để mang lên nương rẫy, quà cho trẻ con trong nhà hay gói làm thức ăn cho con mang đi học. Khi đó, món bánh có thể chỉ cần thêm chút muối tiêu rừng ăn kèm để thêm vị đậm đà mà vẫn đảm bảo không bị mệt, đói khi lao động hay chơi đùa.
Sau này, khi những ngôi làng Cơ Tu phát triển du lịch cộng đồng, trở thành nơi đón khách thập phương, bánh sừng trâu còn mang trong mình trọng trách trở thành những món quà gửi đi muôn nơi, một quà tặng du lịch độc đáo cho du khách khi đến vùng đất này. Bánh thơm dẻo, vị ngọt bùi như gom cả hương vị của núi rừng, vừa khiến người ta dễ cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc, nồng hậu như chủ nhân của mảnh đất miền biên giới phía Tây Quảng Nam.
Sưu tầm