Thời khắc giao mùa là lúc mà các bệnh tim phổi bùng phát. Đối với người cao tuổi thì bệnh tim mạch và huyết áp là những mối hiểm nguy trực chờ.
Các biến đổi về cấu trúc tim ở người cao tuổi có thể gây rối loạn nhịp tim.
Người cao tuổi và người thân, người chăm sóc hãy tìm hiểu để chủ động phòng ngừa các bệnh sau:
Bệnh mạch vành
Nhiều ý kiến cho rằng bệnh mạch vành là một sát thủ đáng gờm quả không sai vì nó gây nguy cơ tử vong cao. Bệnh mạch vành tức là mạch vành bị các mảng xơ vữa làm hẹp lại hay hẹp do hiện tượng co thắt. Các tên gọi khác của bệnh mạch vành là: thiếu máu cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, thiểu năng vành hay suy tim động mạch vành. Người cao tuổi mắc bệnh mạch vành thường do các nguyên nhân sau: rối loạn lipid máu (tăng mỡ máu), tăng huyết áp, đái tháo đường, nghiện hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu quá nhiều. Triệu chứng của bệnh mạch vành là: đau thắt ngực dữ dội, cảm giác ngực bỏng rát, đau nhói kèm theo khó thở, vã mồ hôi, hồi hộp, chóng mặt…, nặng hơn sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, nếu không cấp cứu kịp sẽ tử vong.
Quá trình cholesterol, triglycerid và một số chất khác lắng đọng trên thành động mạch vành được gọi là quá trình xơ vữa động mạch. Quá trình hình thành các mảng xơ vữa động mạch thường gia tăng ở những người nghiện thuốc lá, mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Nếu như một trong các mảng xơ vữa bị vỡ ra, các tế bào tiểu cầu sẽ kết tập lại, hình thành nên cục máu đông. Khối máu này tuỳ to hay nhỏ sẽ chặn dòng máu trong lòng động mạch nhiều hay ít khiến vùng cơ tim do động mạch này tưới máu nuôi dưỡng bị thiểu dưỡng, gây hoại tử dẫn đến một cơn đau tim gọi là đau thắt ngực.
Đau tim
Ở bệnh nhân bị đau tim thì thời gian là vàng vì càng phát hiện sớm biểu hiện của cơn đau tim và kịp thời điều trị thì hiệu quả càng cao và giảm nguy cơ tử vong. Cơn đau tim (còn gọi là nhồi máu cơ tim) xuất hiện khi một nhánh của động mạch vành nuôi dưỡng cơ tim đột ngột bị bít kín bởi một khối máu đông gây thiếu máu cục bộ. Do bị mất nguồn cung cấp máu, một phần cơ tim sẽ bị chết (hoại tử). Sự hoại tử cơ tim gây đau ngực và dẫn tới tình trạng bất ổn điện của cơ tim với biểu hiện rung thất (tâm thất co bóp hỗn loạn, đẩy máu đi không hiệu quả gây thiếu máu não).
Nếu vì một lý do nào đó, bề mặt các mảng xơ vữa động mạch có thể bong ra tạo điều kiện hình thành khối máu đông ngay trên bề mặt mảng xơ vữa này khiến dòng máu chảy trong động mạch vành bị tắc hoàn toàn dẫn tới cơn đau tim. Khi bị đau tim, ban đầu người bệnh chỉ thấy triệu chứng mơ hồ như cảm giác nằng nặng tưng tức hoặc co thắt ở ngực, đó cũng chính là dấu hiệu chủ quan dẫn tới những tử vong đáng tiếc khi vào bệnh viện vì lúc này trái tim của bệnh nhân đã bị tổn thương quá nặng.
Rối loạn nhịp tim
Bình thường, ở người khỏe mạnh, tim đập từ 70-80 lần/phút. Khi có sự rối loạn về hình thành xung động hay rối loạn về dẫn truyền xung động thì tâm nhĩ và tâm thất co bóp không đều dẫn đến rối loạn nhịp tim. Có các rối loạn nhịp nhanh, nhịp chậm và không đều. Ở người có tuổi, các biến đổi về cấu trúc của tim có thể gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim, làm tim đập nhanh, đập chậm hay không đều. Có các rối loạn nhịp tim như: nhịp nhanh xoang (tần số tim >80 lần/phút), nhịp chậm xoang (tần số tim <60 lần/phút), ngoại tâm thu, rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất, nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh, rung thất, bloc nhĩ thất.
Các triệu chứng chung của rối loạn nhịp tim là: tim đập nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, chóng mặt, ngất xỉu.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng, tăng cường rau xanh và chất xơ, trái cây tươi, hạn chế dùng các chất kích thích như ớt tiêu. Luyện tập thể dục thể thao đều đặn và hợp lý. Tập thái cực quyền, thái cực trường sinh đạo, ngũ cầm hí, bát đoạn cẩm, đại nhạn khí công, yoga, thiền, bơi lội, đạp xe, đi bộ... Tập 30-45 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Tập vừa sức, không được gắng sức. Thể dục thể thao sẽ tăng cường chức năng tim phổi, cải thiện bệnh lý tim mạch. Nên chú ý về chế độ ăn như sau:
Hạn chế mỡ béo, nên sử dụng chất béo chưa bão hòa đơn có trong dầu oliu, dầu nành, dầu vừng, dầu phụng, dầu gạo. Tránh ăn các loại thịt đỏ: bò, heo, cừu, chó, dê mà nên ăn các loại thịt trắng như: gà vịt. Tránh ăn nội tạng, thức ăn chiên rán. Ăn các loại rau có màu xanh đậm như: cải bó xôi, xà lách, súp lơ..., các loại quả màu vàng đỏ: cà chua, bí đỏ, dưa hấu… vì chúng chứa nhiều vitamin A, C, E làm tăng cường sức đề kháng. Không được ăn mặn quá.
Thực hiện chế độ ăn hợp lý, luyện tập thể dục thể thao đều đặn, hiểu biết kiến thức về bệnh tim mạch là những yếu tố cần thiết để người cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống có ích cho gia đình và xã hội.
BS. NGÔ VĂN TUẤN
Theo suckhoedoisong.vn