Đóng thuế thu nhập cá nhân cho khoản trợ cấp gây thiệt thòi cho người lao động, vậy làm thế nào để họ không bị thiệt hại khi nhận các khoản tiền này.
Ảnh minh họa.
Tiền trợ cấp, phụ cấp như: tiền ăn, tiền điện thoại, công tác phí… vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi đưa vào một khoản thu nhập duy nhất của người lao động.
Tuy nhiên, việc phân bổ hợp lý, theo đúng quy định pháp luật sẽ giúp người lao động không phải đóng thuế TNCN cho các khoản chi phí này, tránh gây thiệt hại.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp sẽ được trừ trước khi tính thuế TNCN.
Ví dụ như phụ cấp công tác phí: Theo Khoản 2.9 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, quy định điều kiện được hưởng và mức hưởng tiền phụ cấp công tác phí.
Tiền phụ cấp trang phục: Vấn đề này được nêu tại Khoản 2.7 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC. Theo đó, phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ. Phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 5 triệu đồng/người/năm.
Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động để được tính vào chi phí được trừ thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ.
Đối với những ngành kinh doanh có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ Tài chính.
Đối với tiền ăn giữa ca: Khoản 4 Điều 25 Thông tư 27/2016/TT-BLĐTBXH quy định, công ty thực hiện mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người quản lý công ty không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.
Việc thực hiện chế độ ăn giữa ca theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2008 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong công ty nhà nước.
Đối với phụ cấp điện thoại, hiện tại, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về vấn đề này, chỉ quy định các khoản phụ cấp phải ghi rõ điều kiện được hưởng và mức hưởng trong hợp đồng lao động hoặc quy chế của công ty, doanh nghiệp.
Bởi vậy, kế toán cần phải phân bổ thu nhập của người lao động đúng với thực tế và đúng quy định của pháp luật để đảm bảo lợi ích tối đa cho người lao động./.
Theo PV/VOV.VN