Ðê biển Quảng Bình dài 154 km, trong đó có 11 km đê trực diện với biển, còn lại là đê vùng cửa sông, có tác dụng ngăn lũ bảo vệ dân cư, giữ ngọt để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai, hệ thống đê biển Quảng Bình bị sạt lở nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.
Người dân xã Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) xếp bao cát, hàn vá tuyến kè bị sạt lở sau bão số 10.
Ðê, kè sạt lở nghiêm trọng
Những năm qua, bờ biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch bị sạt lở nghiêm trọng, người dân luôn nơm nớp lo sợ biển sẽ cuốn mất làng. Nhiều hộ phải bỏ lại đất đai, nhà cửa di dời đến nơi ở mới. Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng tuyến kè biển Nhân Trạch dài khoảng 3 km với tổng mức đầu tư 62 tỷ đồng, để chắn sóng và bảo vệ vùng dân cư, tạo điều kiện cho người dân yên tâm an cư, lạc nghiệp. Ông Hoàng Luân ở thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch cho biết, kè biển vừa mới hoàn thành xong thì siêu bão số 10 xuất hiện trong tháng 10-2013, gây sạt lở một phần. Chưa kịp hàn vá thì lại bị bão số 11 uy hiếp, nước biển dâng và sóng lớn, liên tục tràn qua bờ kè, làm rộng thêm điểm sạt lở. Ðến trận bão số 10 giữa tháng 9 năm nay, kè biển Nhân Trạch một lần nữa bị sụt lún nghiêm trọng. Một số vị trí trên tuyến kè bị đánh sập do sóng biển xói hàm ếch, một số chỗ khác thì bị nứt gãy gây nguy hiểm cho hàng trăm hộ dân ở hai thôn Nhân Nam và Nhân Hải. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Nhân Trạch đã huy động người dân sử dụng hơn 4.000 bao cát gia cố tạm thời các điểm kè bị hỏng.
Tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, nhiều năm nay, tuyến kè biển Hải Trạch dài 3 km là lá chắn bảo vệ cho làng biển Hải Trạch trước hiện tượng sạt lở, xâm thực của biển. Không chỉ vậy, tuyến kè này còn là đường giao thông của người dân.Tuy vậy, bão số 10 vừa qua đã làm tuyến kè hỏng nặng, khoảng 200 m bị đánh sập hoàn toàn, sạt lở sâu vào mặt đường rộng khoảng 8 m. Chủ tịch UBND xã Hải Trạch Nguyễn Duy Huy cho biết, tuyến kè biển Hải Trạch được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2014 để chống hiện tượng xâm thực, sạt lở, qua các mùa mưa bão đều có hư hỏng nhỏ cho nên được địa phương trích kinh phí để sửa chữa. Nhưng lần này, 200 m kè bị sập hoàn toàn, kinh phí xây dựng lại rất lớn cho nên xã đã báo cáo cấp trên xem xét hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sớm ổn định đời sống người dân.
Sau bão số 10, hàng trăm mét bờ biển Nhật Lệ, thuộc phường Hải Thành, TP Ðồng Hới cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Nơi bị sạt lở nặng nhất là khu vực bãi tắm Nhật Lệ 2 với chiều dài gần 500 m. Ðoạn sạt lở sâu nhất ăn sâu vào bờ khoảng 15 m. Người dân địa phương cho biết, khi bão số 10 ập vào kéo theo những con sóng cao 4 đến 5 m chính là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở. Một số đoạn dù đã có bờ kè, nhưng sóng biển vẫn đánh vỡ cả những khối bê-tông. Một số nhà hàng, quán ăn của người dân xây dựng khá kiên cố dọc bờ biển này cũng đã bị sóng đánh vỡ nhiều hạng mục. Có nhà đã bị sóng biển khoét sâu dưới phần móng thành hàm ếch rất nguy hiểm. Rất nhiều hàng quán dọc bờ biển này đang sống trong tình trạng thấp thỏm vì phần móng đã bị xói lở và có thể gây đổ sập bất cứ lúc nào.
Thiếu kinh phí khắc phục
Theo Chi cục trưởng Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phụng, việc nhiều tuyến kè biển, bờ biển bị sạt lở gần đây tại địa phương, nguyên nhân cơ bản do gió bão và sóng biển vượt quá tần suất, thiết kế của công trình vốn chỉ chịu được bão cấp 9. Khi gặp cơn bão vượt cấp, gió giật mạnh sẽ tác động lớn đến sự ổn định của kè mái bằng các tấm bản bê-tông. Mặt khác là do tác động của các dòng hải lưu gây sụt lún phần chân kè. Ðặc thù bờ biển Quảng Bình ngắn, dốc, dòng chảy tập trung, lũ rất cao kết hợp với sóng bão cho nên khi lượng nước từ cửa sông dồn ra, sẽ tạo áp lực phá vỡ thiết kế công trình. Trong khi đó, theo Quyết định số 58/2006/QÐ-TTg ngày 14-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, tiêu chuẩn thiết kế đê biển có thể chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường 5%, lũ 10%. Ðối chiếu với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay đã không còn bảo đảm công năng và phù hợp với thực tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân cho biết: Do nguồn vốn bố trí cho các dự án thuộc chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển chưa đáp ứng theo kế hoạch, cho nên tỉnh chỉ mới tập trung xây dựng được một số đoạn đê xung yếu. Hiện tại, tổng chiều dài các đoạn đê kè được củng cố, nâng cấp của Quảng Bình mới chiếm khoảng 12% so với Quyết định số 58/2006/QÐ-TTg. Trong khi Quảng Bình có các tuyến đê kè trực diện với biển, phía trước đê kè không có các bãi bồi mà là những bãi cát trắng, không trồng được cây chắn sóng. Vì vậy, gió bão và triều cường luôn uy hiếp trực tiếp đến tuyến đê kè và gây thiệt hại nặng.
Cái khó hiện nay, Quảng Bình là tỉnh nghèo cho nên kinh phí xây dựng, nâng cấp hệ thống đê kè biển trong những năm qua đều trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Trung ương. Sau bão số 10, thiệt hại liên quan đến hệ thống đê kè biển lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, trước mắt, địa phương động viên, hỗ trợ người dân chủ động di dời trong những tình huống nguy cấp; huy động lực lượng tại chỗ sử dụng các vật liệu có sẵn để gia cố, sửa chữa các vị trí đê kè bị sạt lở, hư hỏng nhẹ. Về lâu dài, UBND tỉnh Quảng Bình lập phương án đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng kiên cố tuyến đê biển tại các vùng xung yếu với thiết kế chống chịu bão lớn hơn, nhằm bảo vệ an toàn đời sống và sản xuất của nhân dân.
Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG
Theo nhandan.com.vn