Trong số 52 tân học viên được Học bổng Chính phủ Úc, có 3 học viên là người khuyết tật. Họ đã nỗ lực phi thường để giành học bổng.
Năm 8 tuổi, cậu bé Huỳnh Hữu Cảnh ở Kiên Giang bị bom gần trường học phát nổ cướp đi đôi mắt. Từ đó, Cảnh lớn lên trong bóng tối, nhưng nghị lực và niềm tin đã giúp cậu tỏa sáng.
Trải qua nhiều năm tháng nỗ lực học tập, Cảnh tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt - Đại học Sư phạm TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, trải qua quá trình tìm việc gian nan, Cảnh được nhận về công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.
Người khuyết tật luôn cần sự chia sẻ của cộng đồng. (Ảnh minh họa).
Anh luôn ấp ủ làm điều gì đó để có thể tự lập, giúp ích cho gia đình yên tâm về cuộc sống của mình - một người khiếm thị, cống hiến cho xã hội và cộng đồng người khuyết tật. Đam mê tiếng Anh, tuy nhiên tại Việt Nam chưa có chương trình học tiếng Anh bài bản cho người khiếm thị, nên Cảnh không thể dự thi để lấy các chứng chỉ nhưng vẫn thường xuyên truy cập internet để tự trau dồi kiến thức, tìm kiếm cơ hội học tập nâng cao.
Cảnh khao khát được đi du học để trở về quê hương xây dựng phòng tham vấn tâm lý cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người khuyết tật.... Cuối cùng, sau thời gian tìm hiểu các chương trình, Cảnh đã được Chính phủ Úc cấp học bổng. Đối với Cảnh, đó là một tương lai mới, một cánh cửa mới cho bản thân anh và cả những người khuyết tật.
Anh Huỳnh Hữu Cảnh cho biết: “Lần đầu tiên mình sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh để mình thực hiện công việc thì cảm giác hạnh phúc. Vì đã sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh, mặc dù người ta chỉ cần 1 buổi thôi còn mình cần 2 tháng nhưng dù sao mình cũng đã làm được”.
Còn đối với cô gái trẻ Nguyễn Thủy Tiên, 29 tuổi, hiện đang quản lý và điều hành Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, khao khát đi du học về quản trị phát triển để nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý, vận hành tổ chức và các kỹ năng thiết yếu trong ngành truyền thông, góp phần duy trì sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững cho mạng lưới. Từ đó, giúp đỡ được nhiều người đang phải chiến đấu với bệnh ung thư vú, nâng cao ý thức cho cộng đồng trong việc phòng chống căn bệnh này…
Tiên sẵn sàng cạo trọc đầu để đồng cảm với những nỗi đau về tinh thần của người bị ưng thư, lăn xả vì người bệnh, thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên, cô không biết bắt đầu xin học bổng như thế nào để có thể thực hiện ước mơ hỗ trợ cộng đồng người bị ung thư. Bởi vì Tiên bị mắc chứng khó đọc. Đây là một dạng khuyết tật khiến cho con người gặp khó khăn trong học tập, đọc chữ.
Vì vậy học lý thuyết là nỗi sợ hãi của Tiên. Tuy nhiên, để viết tiếp ước mơ của chị gái – người sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam từng chết vì bị ung thư vú, Tiên nỗ lực nhiều hơn, tìm tòi và cuối cùng cũng nhận được học bổng.
Nguyễn Thủy Tiên chia sẻ: “Trong thời gian đi học, tôi vẫn sẽ điều hành mạng lưới và tổ chức của mình từ xa. Tôi cũng sẽ mang tổ chức của mình sang nước Úc để thực hiện sứ mệnh nữa là nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt tại Úc, họ sẽ có nhiều thông tin hơn để có thể đi khám và phát hiện cũng như điều trị sớm hơn”.
Trong số 3 người khuyết tật nhận học bổng lần này, chị Nguyễn Thị Hải Yến ở Đà Nẵng bị khuyết tật vận động, chị đã gần 40 tuổi nhưng vẫn muốn được đi du học.
Qua quá trình xin việc gian nan vì có khuyết tật ở chân, thân hình thấp bé, cuối cùng chị được nhận làm ở một công ty may mặc. Trong quá trình làm việc, chị nhận thấy người khuyết tật nói chung và khuyết tật vận động, khiếm thính nói riêng là nguồn nhân lực dồi dào cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.
Chị đã đề xuất chủ doanh nghiệp hỗ trợ người khuyết tật nhận làm việc trong nhà máy, tạo công ăn việc làm cho từ 2 đến 6 người, tùy thời điểm. Qua thực tế, chị hi vọng rằng ngành học về Công tác xã hội là chìa khoá giúp cho những người khuyết tật như chị có thể có nhiều cơ hội trong công việc, sống tự lập và không trở thành gánh nặng của gia đình, cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến nói: “Nếu học xong tôi có thể quay về làm việc tại công ty cũ. Và bắt đàu mở rộng và hỗ trợ cho mạng lưới người khuyết tật tại địa phương. Bắt đầu từ đó sẽ vươn vòi lên những doanh nghiệp cùng ngành nghề, rồi có thể thuyết phục các doanh nghiệp ngoài ngành, hy vọng họ có thể giúp đỡ người khuyết tật”.
Trong cuộc sống, có những con người mới sinh ra đã kém may mắn khi họ khuyết đi một bộ phận nào đó trên cơ thể, hoặc không thể sinh hoạt như những người bình thường khác. Nhưng vượt lên trên những hoàn cảnh đó, có những người đã làm lên những điều phi thường bằng chính nghị lực và tình yêu dành cho cuộc sống, luôn khát vọng vươn xa hơn để cống hiến cho cả cộng đồng./.
Theo Kim Dung/ VOV.VN