Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em mang số 111 là dịch vụ công đặc biệt, nhằm mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Tổng đài cũng miễn phí cuộc gọi và phí tư vấn với người gọi đến.
Sáng 6-12, tại phiên họp của Ủy ban quốc gia về trẻ em thảo luận Kế hoạch hoạt động năm 2018 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chính thức khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với ba số 111 là số hàng đầu, đây là số ngắn, nhằm mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Việc khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại. Đây cũng là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng rằng, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ luôn là “người bạn đồng hành cùng trẻ em” và tất cả mọi người quan tâm đến bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại”.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài cũng không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.
Tổng đài là đường dây khẩn cấp có trách nhiệm liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.
Đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, Tổng đài có trách nhiệm hỗ trợ người làm công tác trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp với từng trẻ em.
Tổng đài được tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và được quảng bá số điện thoại và các dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được nâng cấp từ Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã có lịch sử hơn 13 năm hoạt động.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em Việt vào ngày 20-2-1990 mà không bảo lưu bất cứ một điều khoản nào.
Kể từ đó tới nay, hệ thống pháp luật quy định việc thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam liên tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện, từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013 và Luật Trẻ em năm 2016. Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản đồng bộ.
Theo ANH CHI /nhandan.com.vn