Cập nhật: 09/12/2017 10:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 8/12, tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) tổ chức Lễ Khánh thành Nhà máy Bus Thaco - nhà máy xe bus đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Bus Thaco. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện các bộ, ngành trung ương cũng như ban, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam.

Nhà máy Bus Thaco được khởi công xây dựng vào tháng 9/2016, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng; công suất thiết kế 20.000 xe/năm (bao gồm: 8.000 xe bus và 12.000 xe mini-bus); trên diện tích 17ha, trong đó diện tích nhà xưởng 8ha được trang bị hệ thống xử lý nước thải được thiết kế với công suất 20 m3/h, tự động hóa từ khâu quản lý đến vận hành, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/ BTNMT).

Hệ thống phòng cháy chữa cháy được thiết kế và lắp đặt đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam 2622:1995 với đầy đủ 6 hệ thống chữa cháy chính và đảm bảo tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn IATF 16949: 2016.

Đây là nhà máy sản xuất xe bus đầu tiên tại Việt Nam mà trang thiết bị do đội ngũ kỹ sư Thaco thiết kế có tỷ lệ nội địa hóa trang thiết bị nhà máy đến 80%.

 

Bus Thaco thành phẩm. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Đội ngũ kỹ sư Thaco liên tục đầu tư, cải tiến công nghệ và nâng cao công suất từ 3.000 lên 5.000 xe/năm. Từ việc sử dụng khung gầm nhãn hiệu Hyundai, đến năm 2013, Thaco đã tự thiết kế và sản xuất nội địa hóa khung gầm nhãn hiệu THACO và nâng tỷ lệ nội địa hóa toàn bộ xe lên đến 50%.

Đến nay, Thaco đã bán ra thị trường hơn 14.000 xe bus với đầy đủ các phân khúc sản phẩm như: THACO TB75, THACO TB82, THACO TB120… chiếm 54% thị phần; đặc biệt, xe khách giường nằm Thaco Mobihome dẫn đầu thị trường với 86 % thị phần.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc cho ra đời xe bus với tỷ lệ nội địa hóa cao của Thaco là một bước tiến quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035.

Thaco đã đầu tư công nghệ hiện đại với dây chuyền cũng như quản lý khoa học đã tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có sức hấp dẫn đối với khách hàng trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Thaco tiếp tục nghiên cứu, đầu tư về con người cũng như trang thiết bị để cho ra đời những sản phẩm chất lượng hơn, giá thành hạ hơn… đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục tạo cơ chế tốt hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong việc thực hiện chiến lược phát triển ôtô của Việt Nam.

 

Xưởng lắp ráp tại Nhà máy Bus Thaco. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco cho biết, hưởng ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014; thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập ASEAN vào năm 2018.

Đồng thời, đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ năm 2016, Thaco đã xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng mới các nhà máy sản suất lắp ráp ôtô: xe tải, xe bus, xe con, xe chuyên dụng và tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% nhằm đảm bảo vị trí đứng đầu tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang các nước Asean.

Dịp này, Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải đã tổ chức ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu bước đầu sang các thị trường như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Campuchia, với tổng doanh số 1.150 xe và trong năm 2018 sẽ xuất khẩu ít nhất là 550 xe./.

Theo NGUYỄN SƠN (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/khanh-thanh-nha-may-xe-bus-dau-tien-mang-thuong-hieu-viet-nam/478827.vnp

Tệp đính kèm