Trong 11 tháng qua, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt những kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, với số thu mới đạt 88,9% dự toán, trong khi chỉ còn 20 ngày nữa là kết thúc năm tài chính, đòi hỏi cơ quan thuế các cấp cần nỗ lực tăng tốc để về đích an toàn.
Nhân viên Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn khách hàng làm thủ tục nộp thuế. Ảnh: ĐĂNG ANH
Nhiệm vụ thu nặng nề
11 tháng qua, số thu NSNN của Cục Thuế TP Hà Nội - một trong những địa phương có nguồn thu NSNN quan trọng nhất cả nước - ước đạt 163,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% so cùng kỳ. Một số khu vực, khoản thu đạt khá so dự toán và duy trì được sự tăng trưởng bền vững qua các năm là khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 90,7% dự toán, tăng 24,6% so cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,3% dự toán, tăng 20,7% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân đạt 84,6% dự toán, tăng 21,3% so cùng kỳ.
Trên quy mô toàn quốc, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 11-2017 ước đạt 104,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 11 tháng đạt 1.077,3 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, bằng 86,9% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 14,5% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số thu nội địa thực hiện 11 tháng đạt 859,2 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán, tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2016. Ước tính có 49 trong tổng số 63 địa phương thu đạt hơn 89% dự toán (trong đó có 36 địa phương đạt hơn 95%) và 59 trong tổng số 63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ năm 2016, bốn địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ chủ yếu do nguyên nhân khách quan.
Bộ Tài chính cho biết, để đạt được mức thu đã báo cáo Quốc hội thì nhiệm vụ thu còn khá nặng nề (khoảng 162 nghìn tỷ đồng, tăng gần 64 nghìn tỷ đồng so bình quân thu 11 tháng), nhất là các khoản thu ngân sách trung ương khi số thu này 11 tháng mới đạt khoảng 81% dự toán, xấp xỉ cùng kỳ năm 2016.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, để đạt được kết quả nêu trên, Cục Thuế Hà Nội đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế… Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội chú trọng công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế và giảm nợ mới phát sinh. Cơ quan thuế đã tập trung rà soát, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu nợ; thực hiện phân loại chính xác số nợ theo từng tiêu chí; nắm bắt, phân tích thực trạng tình hình tài chính, dòng tiền của các doanh nghiệp nợ thuế (nhất là các đơn vị nợ dưới 90 ngày) để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả như động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền bảo đảm vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh vừa có tiền nộp xóa nợ thuế. Đối với những đơn vị chây ỳ, bên cạnh biện pháp hằng tháng công khai danh sách các đơn vị nợ tiền thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ, nhất là biện pháp cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Chống thất thu ngân sách
Giải pháp của Cục Thuế Hà Nội cũng chính là những giải pháp Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan quyết liệt triển khai trong những tháng cuối năm, nhất là các giải pháp quản lý thu, chống thất thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp và đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 84 nghìn doanh nghiệp, bằng 92,2% kế hoạch năm, tăng 11,6% so cùng kỳ. Qua đó xử lý tăng thu thuế hơn 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% so cùng kỳ năm 2016; đã đôn đốc, cưỡng chế thu khoảng 39,9 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2016 chuyển sang, tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước. Cơ quan hải quan đã thực hiện hơn 6,9 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, tăng thu cho NSNN 1,7 nghìn tỷ đồng; phát hiện, bắt giữ được 12,5 nghìn vụ buôn lậu và gian lận thương mại (giảm 5,31% so cùng kỳ năm 2016), trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 536,2 tỷ đồng; thu nộp NSNN khoảng 291,6 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 41 vụ (tăng 17,14% so cùng kỳ năm 2016), chuyển cơ quan khác khởi tố 46 vụ (giảm 48,31% so cùng kỳ năm 2016).
Tuy đạt kết quả thu ổn định, nhưng nhiệm vụ thu ngân sách cuối năm còn hết sức khó khăn, nặng nề. Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian còn lại của năm 2017, ngành sẽ tập trung chỉ đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tăng tốc về đích, hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của ngành tài chính, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, cụ thể, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị các địa phương. Việc tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp hoạt động, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước, chế độ chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung… cần được đẩy mạnh thực hiện. Để tạo nền tảng vững chắc cho công tác thu NSNN, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn của các cấp, các ngành.
Công tác thu NSNN, nhất là thu ngân sách trung ương luôn là điểm nóng mà lãnh đạo Hà Nội yêu cầu báo cáo tiến độ, tình hình hằng tuần, trong tất cả các cuộc họp chuyên đề hay giao ban của thành phố. Các đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố luôn yêu cầu ngành thuế thành phố chủ động báo cáo lãnh đạo thành phố tiến độ thu hằng tuần, hằng ngày; nếu có vướng mắc thì đề xuất thành phố tháo gỡ, giải quyết ngay, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tạo điều kiện cho ngành thuế hoàn thành dự toán được giao. Chính vì vậy, Cục Thuế Hà Nội luôn có điều kiện cũng như áp lực lớn để đẩy nhanh tiến độ thu về đích. Năm nay, Hà Nội dự báo sẽ vượt chỉ tiêu thu gần 5%.
MAI SƠN
Phó Cục trưởng Thuế Hà Nội
Theo SÔNG TRÀ/nhandan.com.vn