Là tỉnh miền núi có 22 dân tộc, trong đó có hơn 50% số dân là đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS), kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp; tỉnh Tuyên Quang đã xác định phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang Chẩu Xuân Oanh cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Tuyên Quang đã tập trung thực hiện các chương trình, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất, hỗ trợ kiến thức tổ chức sản xuất, chăn nuôi, làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo…
Dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số.
Tính từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 3.567 hộ DTTS nghèo vay vốn phát triển sản xuất, với số tiền gần 19,8 tỷ đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ làm mới gần mười nghìn nhà ở cho hộ nghèo, chủ yếu là hộ DTTS, với tổng kinh phí gần 162,6 tỷ đồng; 100% số học sinh nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp; người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ gần 290 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, Trung ương hỗ trợ hơn 90 tỷ đồng, vốn từ nguồn vay tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 180 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách địa phương. Nguồn vốn sẽ được bố trí để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt hơn 98 tỷ đồng; hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư gần 10 tỷ đồng, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi khoảng 181 tỷ đồng. Cụ thể, gần 2.000 hộ sẽ được hỗ trợ mỗi hộ 15 triệu đồng để tạo quỹ đất sản xuất, hơn 5.700 hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ chuyển đổi nghề. Ðối với hơn 750 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất ở, chính quyền cấp huyện sẽ tạo quỹ đất giao bảo đảm tối thiểu là 200 m2/hộ và tối đa 400 m2/hộ. Hỗ trợ cho hơn 15.500 hộ, mỗi hộ 1,5 triệu đồng, để xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt. Ngoài ra, trong năm 2018, tỉnh Tuyên Quang sẽ bố trí, sắp xếp ổn định chỗ ở cho khoảng 107 hộ là đồng bào DTTS đang sống trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở. Những chính sách hỗ trợ trên được thực hiện trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình.
Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giảm từ 4%/năm trở lên; khoảng 38% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hơn 11% số hộ nghèo được vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất và thực hiện chuyển đổi nghề và hơn 12% số hộ nghèo được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi nghề, cuộc sống đồng bào từng bước được cải thiện, nâng cao.
Theo Bài và ảnh: HẢI CHUNG
nhandan.com.vn