Làng Vân có tên chữ Yên Viên, có nghĩa là khu vườn yên tĩnh được trải dài hơn 1 km dọc theo bờ Bắc sông Cầu. Đối diện làng là làng Đại Lâm, thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; phía nam giáp làng Thổ Hà (cùng xã, phía bắc gần dãy núi Tiên Lát); phía sau làng (bên kia sông) là làng Quả Cảm cũng thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Đây là một làng cổ, nằm trong một vùng không gian đậm đặc những nét văn hóa: phía bắc là xã Tiên Sơn nơi xuất phát và lưu truyền truyền thuyết về Thạch linh thần tướng, người có công giúp vua Hùng đánh giặc ngoại xâm, phía bên kia sông là làng Quả Cảm nơi lưu truyền về vua Bà- thủy tổ dân ca quan họ, phía nam là làng Thổ Hà có nghề cang gốm cổ truyền và cũng là 1 trong 18 làng quan họ của tỉnh Bắc Giang. Chúng ta biết đến làng Vân với nghề nấu rượu truyền thống nổi tiếng từ xa xưa cho đến ngày nay cùng với những di sản văn hóa đặc sắc như: tục ma chay, cưới hỏi, tục kết nghĩa với làng Đống Gạo, tục thề giữ bí quyết nghề nấu rượu, cùng với hệ thống di tích và lễ hội vật cầu nước (vật cầu bùn) độc đáo có một không hai trên vùng đất Bắc Giang... Trong đó, có một di sản văn hóa còn được lưu giữ không thể không kể đến, đó là phiên chợ ngày Tết vào ngày 25 tháng Chạp - còn có tên gọi là chợ Tam Quan. Sở dĩ có tên gọi là chợ Tam quan vì chợ được mở ngay trong sân chùa làng Vân (chùa Diên Phúc).
Văn bia ở chùa Diên Phúc, niên hiệu Khánh Đức thứ ba (1652) cho biết sự ra đời của chợ Vân như sau: "Quan viên tướng thần trong xã An Viên, huyện Việt Yên, phủ Bắc Hà có trách nhiệm đứng lên mua vườn đất của mọi người trong làng và vận động các gia đình hảo tâm công đức để mở chợ mới, gọi là chợ Tam Bảo, ngày nào cũng mở nhưng phải giữ đúng thuần phong mỹ tục, thuận mua vừa bán, nếu người nào điên đảo vì lợi riêng, lấy tài vật của người đến bán ở chợ thì phải chịu sự trừng phạt với trời đất và thần thánh...."
Cùng với việc mở chợ Tam Bảo thì các cụ cao niên trong làng cũng kể rằng, nhân dịp Tam quan chùa Diên Phúc xây hoàn chỉnh, dân làng đã vui mừng mở một ngày chợ vào ngày 25 tháng Chạp, vì phiên chợ này được mở ở sân chùa nên dân làng gọi là ngày chợ Tam quan. Từ đó đã trở thành thông lệ, chợ Tam quan sẽ được dân làng mở đúng một ngày vào ngày 25 tháng Chạp ở sân chùa. Dân làng cũng như dân các vùng xung quanh muốn tham gia ban hàng trong chợ phải đến nhận chỗ bán trước từ chiều ngày 24.
Trong không gian trầm mặc, thiêng liêng nghi ngút khói hương, tiếng tụng kinh, gõ mõ của sư sãi cúng Phật thì ngoài sân, kẻ mua, người bán cũng đông vui, tấp nập. Điều đặc biệt, đáng nói của phiên chợ này chính là qui định của dân làng về các mặt hàng được phép bán tại đây. Chính vì được mở nhân dịp Tam quan chùa khánh thành, địa điểm, không gian họp chợ tại nơi linh thiêng nên tất cả các mặt hàng bán tại phiên chợ tuyệt nhiên cấm những thứ "sát sinh, hôi hám". Những mặt hàng "sát sinh, hôi hám" là: gia súc, gia cầm, thịt gia súc gia cầm, cá, tôm... nước mắm, mắm tôm... Mặt hàng được bán chủ yếu trong phiên chợ này là mọi thứ vật dụng trong gia đình như: giần, sàng, nong, nia, rổ, rá, dao, thớt, cuốc, xẻng... Người dân làng nghề mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên) vẫn còn kể về sự tham gia của họ khi bán các sản phẩm nghề ở ngày chợ đặc biệt này. Ngoài việc cấm bán những mặt hàng nói trên, phiên chợ này cũng không có những âm thanh hỗn độn, chao chát như những phiên chợ khác, mọi người thuận mua, vừa bán, không có sự tranh giành, chộp giật.
Phiên chợ độc đáo được mở duy nhất vào ngày giáp Tết Nguyên đán của làng Vân hiện nay vẫn được dân làng, chính quyền sở tại duy trì, gìn giữ./.
ST