Quá trình lão hóa xảy ra trong toàn cơ thể với các mức độ khác nhau làm giảm hiệu lực của của các cơ chế tự điều chỉnh, giảm khả năng thích nghi bù trừ.
Bệnh tim mạch với cơn đau thắt ngực
Do đó, người cao tuổi (NCT) không đáp ứng được những đòi hỏi của sự sống và dễ dàng mắc những bệnh lý thường gặp.
Những bệnh thường gặp
NCT thường hay mắc các bệnh như: tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận và tiết niệu, nội tiết chuyển hóa, xương và khớp, máu và cơ quan tạo máu, tự miễn, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, ngoài da, tâm thần, thần kinh...
Bệnh tim mạch: với cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Ngoài ra còn gặp bệnh tâm phế mạn tính, rối loạn nhịp tim và dẫn truyền, suy tim, tắc nghẽn động mạch.
Bệnh hô hấp: với bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang, u ng thư phổi.
Bệnh tiêu hóa: ung thư gan, xơ gan, viêm túi mật, viêm loét dạ dày-tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, táo bón.
Bệnh thận và tiết niệu: với bệnh viêm thận mạn tính, viêm bể thận mạn tính, sỏi tiết niệu, u xơ và ung thư tuyến tiền liệt, rối loạn tiểu tiện nhất là tiểu tiện không tự chủ.
Bệnh nội tiết chuyển hóa: đái tháo đường hay có biến chứng thận, suy tuyến giáp trạng, suy sinh dục, tăng cholesterol máu, tăng axít uric máu.
Bệnh xương và khớp: loãng xương, thoái hóa khớp, gút, gãy xương các loại do loãng xương, hội chứng vai-tay, bệnh Paget.
Bệnh máu và cơ quan tạo máu: bệnh thiếu máu do thiếu sắt, hội chứng tăng đông máu, thiếu máu do thiếu axít folic hoặc vitamin B12, bạch cầu mạn tính và cấp tính, đau tủy xương, macroglobulin máu, ung thư hạch.
Bệnh tự miễn: với những loại bệnh có tự kháng thể kháng globulin, tự kháng thể kháng nhân; tự kháng thể đặc hiệu kháng hồng cầu, kháng giáp trạng, kháng niêm mạc dạ dày; ngoài ra ở người cao tuổi cũng thường gặp trường hợp tự miễn dịch tiềm tàng.
Bệnh mắt: phổ biến là bệnh đục thể thủy tinh, thoái hóa võng mạc và mạch máu, xơ cứng các mạch máu võng mạc.
Bệnh tai mũi họng: với bệnh giảm thính lực kiểu giác quan, thần kinh hoặc chuyển hóa hay cơ học; rối loạn tiền đình; ung thư xoang hàm, xoang sàng, tai, amiđan, vòm mũi họng.
Bệnh răng hàm mặt: u lành tính, u ác tính khoang miệng; viêm khớp thái dương - hàm.
Bệnh ngoài da: bệnh ngứa tuổi già, dày sừng tuổi già, u tuyến mồ hôi, rụng tóc, tổn thương tiền ung thư và ung thư hắc tố, ung thư biểu mô, teo niêm mạc sinh dục nhất là ở nữ giới.
Bệnh tâm thần: thường có hai loại lớn là loạn tâm thần trước tuổi già và loạn tâm thần tuổi già. Trong loạn tâm thần trước tuổi già, những biểu hiện phổ biến là trạng thái trầm cảm còn gọi là sầu uất thoái triển, hoang tưởng còn gọi là paranoia thoái triển, loạn thần ác tính kiểu Kraepelin, trạng thái tăng trương lực muộn. Trong loạn tâm thần tuổi già thường gặp là bệnh Alzheimer thể nhớ bịa, thể mê sảng.
Bệnh thần kinh: với bệnh rối loạn tuần hoàn não gồm các kiểu và các mức độ, u trong sọ não, hội chứng ngoại tháp, nhất là bệnh Parkinson, hội chứng Steele, run tự phát, rối loạn mạch máu tiểu não, u tiểu não, bệnh tủy sống nguyên nhân mạch máu, viêm đa dây thần kinh, chèn ép dây thần kinh.
Điều trị bệnh lý
Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh lý ở NCT là phải toàn diện, xác định rõ nguyên nhân, có biện pháp hiệu quả và an toàn nhất. Cần đặc biệt chú ý đến vấn đề nâng đỡ cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi để chữa bệnh, nhất là phải nuôi dưỡng tốt, hỗ trợ về tinh thần và tư tưởng.
Do những đặc điểm cơ thể của người cao tuổi, việc sử dụng thuốc điều trị phải đặc biệt lưu ý vì tác dụng của thuốc không hoàn toàn giống như đối với người còn trẻ. Ở cơ thể NCT, việc hấp thu thuốc vào mô tế bào kém hơn về tốc độ cũng như mức độ, sự chuyển hóa của dược chất không hoàn chỉnh, khả năng chống độc của cơ thể kém, khả năng bài tiết của dược chất cũng giảm, khối nhu mô của cơ thể giảm làm ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc. Mặt khác mức độ nhạy cảm của cơ thể đối với thuốc cũng thay đổi, vì vậy sẽ gây nên những biến chứng nhiều hơn. Do có sự tác động phối hợp của các đặc điểm đã nêu trên, về phương diện dược động học phải chú ý đến hai vấn đề khi sử dụng thuốc là tác dụng chữa bệnh của thuốc ở NCT thường xuất hiện chậm, kết quả kém hiệu lực hơn; tác dụng phụ dễ xuất hiện, kéo dài, khó chấm dứt kể cả khi đã ngừng thuốc. Việc sử dụng thuốc ở NCT cần lưu ý là nếu có phương pháp chữa bệnh nào hiệu nghiệm mà không cần dùng đến thuốc thì không nên dùng thuốc, nếu nhất thiết phải dùng thuốc để chữa bệnh thì dùng càng ít loại thuốc cùng một lúc càng tốt. Khi đã chọn được thuốc phải dùng, nên sử dụng liệu pháp nào an toàn và đơn giản nhất. Nên chọn liều lượng thích hợp, đạt hiệu quả cao nhất, không gây tai biến hoặc gây nhiễm độc, đặc biệt cẩn thận đối với các loại thuốc trợ tim, liệt thần kinh, hạ huyết áp, nội tiết tố, thuốc độc bảng A, B; cần bắt đầu điều trị với một liều thăm dò thấp bằng nửa liều thuốc của người còn trẻ rồi tăng dần lên. Nếu phải dùng thuốc có độc tính, cần hạn chế độc tính với chế độ ăn uống, ngừng thuốc từng thời gian. Lưu ý mặc dù sử dụng thuốc không độc nhưng cũng phải đề phòng tai biến dị ứng, phòng phản ứng của thuốc theo từng cơ địa. Khi dùng thuốc trong một thời gian dài, phải theo dõi, kiểm tra, ghi chép, sơ kết, tổng kết từng đợt điều trị.
Vấn đề phẫu thuật và phục hồi chức năng
Trong các trường hợp phẫu thuật ở NCT, cần phân biệt hai loại mổ phiên hay mổ theo chương trình và mổ cấp cứu. Nếu mổ cấp cứu, phải cân nhắc giữa vấn đề nguy hiểm do không mổ và nguy hiểm do mổ. Nếu mổ phiên, do có thời gian nhiều hơn nên cần phải chuẩn bị kỹ hơn, đặc biệt chú ý đến 4 vấn đề gồm: kiểm tra toàn diện, từ đó đánh giá tình hình bệnh tật; làm công tác tư tưởng đối với bệnh nhân để cho họ yên tâm, tin tưởng và hợp tác với chuyên môn; nâng cao thể lực, sức khỏe người bệnh để họ có thể chịu đựng được phẫu thuật, nhất là những trường hợp mổ lớn; chuẩn bị tiền mê tốt trước khi phẫu thuật. Trong kiểm tra toàn diện trước khi mổ, phải hết sức coi trọng tiền sử người bệnh, nhất là những lần phẫu thuật và những lần cấp cứu trước; phải chẩn đoán rất tỉ mỉ gồm bệnh chính, bệnh phụ, tình trạng sức khỏe chung. Về vấn đề gây mê, cần lưu ý cơ thể NCT có sự khác biệt so với cơ thể của người trẻ tuổi, mức dự trữ hoạt động của các chức năng và cơ cấu thích nghi ở người cao tuổi kém hơn, đặc biệt là khả năng tự điều chỉnh; ngoài ra hệ tim mạch đã suy yếu, kém chịu đựng một khối lượng dung dịch truyền vào cơ thể theo đường tĩnh mạch. Tình trạng thiếu máu cơ tim cũng gây bất lợi trong gây mê, làm giảm oxy và mất máu. Ở NCT thường ít nhiều có sự suy hô hấp nên dễ dàng có biến chứng khi gây mê.
Việc phục hồi chức năng ở NCT khi điều trị bệnh cũng cần phải đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm hoạt động thể lực, tâm lý, tư duy, quan hệ gia đình và xã hội, khả năng lao động, hoạt động nghề nghiệp... của người bệnh. Thực tế đã chứng minh nếu NCT biết luyện tập, phục hồi chức năng vẫn thu được kết quả tốt khi điều trị, điều mà riêng bản thân thuốc không thể đạt được mong muốn do cơ thể; mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn những dự trữ đáng kể, nếu có phương pháp thích hợp có thể huy động được. Ngoài ra do cơ thể con người là một hệ thống hoàn chỉnh thống nhất nên có thể điều chỉnh, bù trừ được; vì vậy việc phục hồi chức năng cũng có cơ sở để lập lại thăng bằng cần thiết. Những nguyên tắc trong điều trị bệnh ở NCT để đạt được sự thành công là việc phục hồi chức năng phải thực hiện càng sớm càng tốt; phải điều trị phục hồi một cách tự giác, có khoa học mới có kết quả lâu dài; trước khi điều trị phục hồi, phải chuẩn bị thật đầy đủ từ tư tưởng người bệnh đến kế hoạch thực hiện, phương tiện cần thiết; nên kết hợp sự tự tập luyện với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chuyên môn; từng thời kỳ có kế hoạch kiểm tra, điều chỉnh, đề phòng tai nạn. Những hình thức thực hiện phải rất linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện từng nơi và từng lúc. Thực tế có thể điều trị phục hồi tại bệnh viện ở khoa phục hồi chức năng hoặc từng chuyên khoa riêng; điều trị cho bệnh nhân ngoại trú tại các cơ sở an dưỡng, điều dưỡng, trại dưỡng lão, câu lạc bộ của NCT; có thể tự tập luyện tại nhà, từng thời kỳ cần đến một cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra lại.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Theo suckhoedoisong.vn