Bức tranh tăng trưởng năm 2017 có nhiều gam màu sáng nhưng chưa thể khẳng định điều đó sẽ tiếp tục thể hiện trong năm 2018 khi các thách thức lớn vẫn tồn tại.
Dù toàn hệ thống ngân hàng đã nỗ lực trích lập dự phòng, đẩy mạnh quá trình thu giữ, thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng kết quả xử lý nợ xấu vẫn còn khá chậm.
Năm của phục hồi và tăng tốc
2017 là năm ghi nhận nhiều dấu ấn về phương diện kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh thương vụ M&A kỷ lục 4,8 tỷ USD tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thì việc nền kinh tế bất ngờ tăng 6,81% - mức tăng cao nhất kể từ 2011 - đã trở thành một “hiện tượng” mà thế giới ngưỡng mộ. “Tôi nghĩ, năm 2018 sẽ tăng trưởng tương tự hay tốt hơn. Mức tăng này vẫn chưa phải là đỉnh điểm”, ông Dustin Daugherty, Giám đốc cấp cao của hãng tư vấn Dezan Shira & Associates đánh giá lạc quan.
Không thể phủ nhận những nỗ lực tột bậc của các doanh nghiệp (DN) nội, nhưng theo nhận định chung của giới chuyên gia kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng mạnh của thành tích tăng trưởng năm nay là sự phục hồi của nền nông nghiệp và sự năng động của khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ghi nhận mức tăng 2,9%, cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016 do điều kiện thời tiết thuận lợi và không chịu các biến cố lớn về môi trường như năm 2016. Với việc thu hút được 35,88 tỷ USD từ các nhà đầu tư ngoại (tăng 42,3%), Việt Nam đã trở thành một “hiện tượng” của cả khu vực châu Á, đồng thời chứng minh môi trường đầu tư tại quốc gia hơn 92 triệu dân này đang rất hấp dẫn, cả về tiềm năng tiêu thụ và quy mô lao động, trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.
Năm 2017 cũng là năm mà cả nước ghi nhận hơn 153 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong đó, số lượng DN mới đã lập kỷ lục mới khi lên tới gần 127 nghìn DN.
Trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã cải thiện đáng kể vị trí khi tăng 14 bậc so với năm trước để xếp hạng 68 trên tổng số 190 nền kinh tế. Điều này cho thấy những nỗ lực cải cách, kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch của Chính phủ cuối cùng đã mang lại những tín hiệu tích cực, mặc dù phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bắt kịp với nhóm ASEAN-6.
Bước sang năm 2018, dự kiến xu thế tăng trưởng mạnh của Việt Nam sẽ tiếp tục nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cùng sự phục hồi của thị trường hàng hóa thế giới. Bên cạnh đó, một số chính sách rất lớn, đáng kể nhất là mô hình đặc khu kinh tế đặc biệt hay tiến trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng đầu được giới phân tích kỳ vọng sẽ mang tới các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. “GDP sẽ tiếp tục duy trì ở mức 6,5 đến 6,7%. Chính phủ hoàn toàn có các dư địa chính sách trong tầm tay nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý”, Công ty chứng khoán VCBS nhận định lạc quan.
Thách thức vẫn còn lớn
Dù tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2018 là có nhưng không thể phủ nhận những thách thức lớn vẫn tiếp tục tồn tại, có nguy cơ đe dọa đến viễn cảnh phát triển của nền kinh tế. Các thách thức đó là nợ xấu ngân hàng, thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại, chính sách gia tăng bảo hộ thương mại của các nền kinh tế phát triển, và nhất là lộ trình giảm thuế xuống còn 0% từ 2018 có thể đe dọa đến khả năng tồn tại của các DN nội địa tại một số ngành nghề then chốt.
Nợ xấu ngân hàng theo đánh giá thực chất hơn từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vẫn ở mức khá cao với con số 9,5%. Trong năm qua, dù toàn hệ thống ngân hàng đã nỗ lực trích lập dự phòng, đẩy mạnh quá trình thu giữ, thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng kết quả xử lý nợ xấu vẫn còn khá chậm. “Điều này là do hạn chế của việc bán nợ xấu theo giá thị trường và quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, ngân hàng được mua lại 0 đồng còn chậm”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá.
"Cục nợ xấu" còn đó tiếp tục đe dọa đến việc duy trì hay hạ thêm lãi suất để hỗ trợ cho tăng trưởng. Áp lực này thậm chí có thể tăng thêm nếu thị trường nhà đất tăng trưởng chậm hơn hay chịu tác động từ xu thế tiếp tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) năm 2018.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận là nội lực của các DN trong nước vẫn còn hạn chế và tính đa dạng hóa chưa cao. “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ... Các ngành này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá mạnh mẽ, tăng mạnh như năm 2017 là không cao”, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định.
Trước thềm năm mới, nỗi lo của các DN nội địa còn đến từ nguy cơ mất thị phần khi một loạt các lĩnh vực quan trọng, từ các mặt hàng ô-tô, xe máy, phụ tùng, linh kiện điện tử đến các mặt hàng nông sản như trái cây, mía đường phải cắt giảm thuế quan nhập khẩu, xuống chỉ còn 0 đến 5%, theo lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN. Tất nhiên, đó còn là thách thức từ làn sóng bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vốn mang tới cuộc chiến khốc liệt về công nghệ thông tin, tự động hóa với hàm lượng tri thức rất lớn mà phần lớn các DN nội địa vẫn còn thờ ơ, chưa chạm đến.
“Việt Nam cần tận dụng thời cơ từ nền tảng công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhằm tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau”, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thúc ép.
Theo NGUYỄN SƠN TRÀ
nhandan.com.vn