Rất hiếm khi được nhắc đến nhưng người lính hậu cần lo việc bếp núc trên quần đảo Trường Sa có một tầm quan trọng cực kỳ đặc biệt. Để “tác nghiệp” công việc tưởng dễ dàng ấy trên đất liền lại là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn ngoài đảo xa.
Các sĩ quan hậu cần đảo Song Tử Tây bàn luận về chất lượng thịt để gói bánh chưng.
“Đơn giản là thịt, là rau”
An Bang là đảo chìm có điều kiện thiên nhiên khốc liệt nhất trên cả quần đảo Trường Sa. Nằm lọt thỏm giữa rặng san hô sắc lẻm, ken kín như một ma trận nên để đưa được hàng vào đến hòn đảo này là một cuộc “chiến đấu” dữ dội với Hải Vương. Khác với những hòn đảo khác, lính đảo này phải đi thuyền nhỏ ra tận tàu lớn của Hải quân để đón đoàn công tác vì chỉ họ mới nắm được luồng lạch phức tạp của khu vực.
Phải mất cả ngày, những chuyến hàng mới vào được đến đảo. Trong chuyến hàng ấy, có lẽ chú lợn nặng ngót tạ là vật báu quý nhất. Nói thế bởi khi chú lợn vừa khiêng lên đảo, cánh lính vây kín rồi mặt mày nghiêm trọng gọi toáng cả lên: “Nhiên đâu? Nhiên đâu?”. Thiếu úy Lê Văn Nhiên (Hậu Lộc, Thanh Hóa) quần ống thấp, ống cao chạy ra túm lấy đôi tai chú lợn rồi xem xét, ngắm nghía, sờ nắn hồi lâu. Trong lúc ấy, những anh lính đảo vây quanh cũng hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng, khi Nhiên ngẩng đầu lên cười: “Ổn! Bảo đảm rồi. Bếp đảo xin tiếp nhận”, mấy anh lính mới ồ lên mừng rỡ.
Thiếu úy Lê Văn Nhiên phụ trách hậu cần hay đầu bếp hoặc nói tếu là lính “vào sống, ra chín” của đảo này. Nhiệm vụ đơn thuần chỉ là làm cho thực phẩm “vào sống, ra chín” ở gian bếp, nhưng anh nuôi Lê Văn Nhiên mang một vẻ mặt căng thẳng “cao độ” đến tức cười khi các ca nô hàng từ tàu đất liền cập đảo. Chỉ đến khi nhìn thấy đội hậu cần của đảo săm soi từng súc thịt, vạch từng lá rau và ghi chép những thông số dài dằng dặc khi kiểm tra, tiếp nhận thực phẩm mới thấy sự căng thẳng của Lê Văn Nhiên không hề tức cười chút nào. Nói không ngoa thì những anh nuôi trên quần đảo Trường Sa luôn phải ra những quyết định khó khăn nhất. Trên đảo, bảo đảm an toàn thực phẩm là yếu tố sống còn hàng đầu. Một vụ ngộ độc thức ăn có thể giải quyết dễ dàng trên đất liền nhưng lại là một đại họa khủng khiếp trên những hòn đảo nhỏ nằm cách đất liền hàng nghìn km. Năm ngoái, chính Nhiên đã phải ứa nước mắt bỏ đi chú lợn của đất liền gửi ra. Trên đảo nhỏ khi không có điều kiện và thiết bị kiểm tra dịch bệnh nên khi chú lợn có bất cứ một biểu hiện gì lạ đều phải hủy, khẩu phần thịt sẽ được lấy bổ sung từ kho đông lạnh trên tàu mang ở đất liền ra. Vì thế, trên suốt hành trình từ đất liền ra đảo, con lợn dành cho Tết của anh em được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, giữ gìn từng li, từng tí… Khi quyết định bỏ con lợn đó đi, nhìn anh em buồn hiu, Nhiên bỗng chảy nước mắt nhưng không biết làm thế nào?
Nếu hỏi rằng món ăn nào được “thèm” nhất trên Trường Sa thì đương nhiên ai cũng biết đó là món rau xanh… Nếu hỏi rằng một việc làm nào cần sự tỉ mẩn, cẩn thận nhất Trường Sa thì đó chính là việc… rửa rau. Nước quý lắm nên rửa cả rổ rau to đùng từ đất liền gửi ra chỉ được dùng duy nhất một gầu nước bé tí ti. Vậy là để bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, những anh nuôi trên đảo phải tỉ mẩn dùng bông ướt lau từng cuống rau, tàu lá… Vì thế, trong suốt chuyến công tác Trường Sa, khi vô tình bắt gặp một vị khách đất liền nào đó (hồn nhiên và thích thú) gắp những miếng rau to tướng lên, tôi bỗng thấy giận dữ và có cái gì đó gần như day dứt khi nghĩ đến công sức của anh em bộ đội hậu cần nơi đảo xa khi chuẩn bị cho khách được một đĩa rau luộc quý giá.
Vào sóng gió giữa thời bình
Nồi bánh chưng đón Tết sớm cho anh em lính trên đảo Song Tử Tây có nguy cơ bị hỏng. Sau khi gói được gần chục chiếc bánh thì bỗng phát hiện thịt lợn dùng làm nhân bánh có vấn đề. Vài miếng thịt ba chỉ có vết bầm đen đáng ngờ. Những anh nuôi dừng tay thảo luận khá gay gắt. Người thì nói đó chỉ là vết bầm bình thường do ngoại lực tác động, người thì cẩn thận cho đó là một biểu hiện của bệnh than. Phiên họp gấp rút không có được quyết định cuối cùng nên sự việc phải trình lên chỉ huy đảo. Việc gói bánh chưng phải dừng lại để anh em lính hậu cần vượt sóng ra tận ngoài tàu lớn làm công tác chuyển hàng của Hải quân để xác minh. Nguy cơ phải ăn một cái Tết với bánh chưng “chay” khiến một số lính trẻ có cái vẻ rầu rầu đến tội!
Mất đến nửa ngày trời vượt sóng ra tìm hiểu, cuối cùng trung úy Trần Văn Bình (Diễn Châu, Nghệ An) cùng đội vận chuyển năm người mới trở về đảo. Người ướt sũng nước biển vì sóng biển nhưng trung úy Trần Văn Bình tươi như hoa khi lấy tờ biên bản xác minh được bọc cẩn thận qua ba lần túi chống nước: “Đúng là do ngoại lực tác động, anh em làm công tác vận chuyển trên tàu xác nhận con lợn này do tuột dây nên đã bị rơi từ tàu lớn xuống ca nô chuyển hàng”. Ban chỉ huy đảo lại họp gấp và có một quyết định khiến cho những khuôn mặt rầu rầu của cánh lính trẻ trên đảo giãn ra và vui lên trông thấy: “Tiếp tục dùng thịt lợn gói bánh sau khi loại bỏ những miếng có vết bầm đen”.
Qua bao nhiêu những sự nhiêu khê và nghiêm ngặt ấy, nồi bánh chưng (bánh tét) mới được sôi lên sùng sục giữa sân bếp của đảo. Giữa cuộc tranh luận “vô tiền khoáng hậu” ở Trường Sa (không biết từ khi nào?) về bánh chưng và bánh tét… những người lính hậu cần trên đảo Song Tử Tây mới thở phào nhẹ nhõm nhìn nồi bánh chưng đang soi ánh lửa lấp lánh lên khuôn mặt măng tơ của những anh lính đảo cố giấu nỗi nhớ nhà vào những làn khói bếp cay xè đang từ từ dâng lên ngập mắt.
Không chỉ phải làm công việc nấu bếp với sự dày công và sự cẩn thận chu đáo đến mức không tin nổi ấy, những người lính hậu cần trên quần đảo Trường Sa vẫn lãnh trách nhiệm trực chiến, canh gác, huấn luyện… ngày ngày đối mặt với bao nhiêu thử thách. Không những thế, trên ngọn sóng dữ dội nơi đảo xa, những anh nuôi ở đây vẫn ngày ngày phải đối mặt với hiểm nguy thường trực. Thương anh em phải ăn những đồ ăn đóng trong hộp sắt, lạnh, thiếu mùi vị, lại không đủ chất nên những người lính hậu cần ở Trường Sa phải thường xuyên đi đánh bắt hải sản, cải thiện cho anh em. Hằng ngày, sau giờ trực chiến, các anh nuôi lại đối mặt với những con sóng dữ, những rặng san hô sắc lẻm như dao cạo để đánh bắt cá, tôm, ốc…
Trường Sa đang gồng mình che chắn cho phía đông Tổ quốc! Trong những hy sinh, vất vả của các người con đất Việt đang ngày ngày cưỡi ngọn sóng dữ, bảo vệ biển đảo quê hương, có sự đóng góp to lớn của những người lính hậu cần, những anh nuôi trên đảo Trường Sa.
BÀI & ẢNH: NAM HẢI
Theo nhandan.com.vn