Cập nhật: 03/01/2018 14:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Là một trong những người thợ trẻ ít ỏi của làng nghề đá Hải Lựu, xã Hải Lựu (Sông Lô), anh La Văn Hiếu, thôn Đồng Tổ, xã Hải Lựu đang nỗ lực cùng các nghệ nhân thắp lên ngọn lửa cho làng nghề chế tác đá Hải Lựu đang có nguy cơ mai một. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ trẻ, những khối đá vô tri đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.

Sinh ra trong gia đình có bốn đời làm nghề chế tác đá, ngay từ nhỏ, cậu bé La Văn Hiếu đã được vun đắp tình yêu nghề đá. Hiếu thường theo bố mẹ lên núi tìm đá về làm nguyên liệu, có khi lại rong ruổi khắp các phố phường, thôn làng để tiêu thụ các sản phẩm từ đá do gia đình tự làm ra. Những tiếng đục đẽo chát chúa của cha lúc nửa đêm hay tiếng kẽo kẹt từ những gánh hàng nặng trĩu của mẹ đã hằn sâu trong tâm trí anh. Cứ thế, tình yêu với đá mỗi ngày lớn dần trong anh.

Năm 16 tuổi, bằng những công cụ thô sơ như đục, búa… Hiếu đã tự mình chế tác được bức tượng người phụ nữ Chăm với những đường nét khá bắt mắt. Năm 2009, với tay nghề vốn có, anh vay mượn mở xưởng sản xuất, chế tác đá. Sản phẩm làm ra bao nhiêu được các thương lái đến tận nơi thu mua hết bấy nhiêu. Năm 2011, bức tượng Quan âm cưỡi rồng với những đường nét tinh xảo của anh đã đạt giải Nhì tại “Hội thi tay nghề giỏi” cấp tỉnh. Cũng năm đó, anh được phong tặng danh hiệu Người thợ giỏi, là một trong 4 thợ giỏi của làng đá Hải Lựu hiện nay.

Không tự bằng lòng với bản thân, nhận thấy nhu cầu của người dân ngày càng nâng cao, nhất là những sản phẩm mang yếu tố thẩm mỹ cao, anh Hiếu tự tìm tòi học thêm bộ môn điêu khắc. Anh là thế hệ đầu tiên của làng nghề đá Hải Lựu được đào tạo về đá mỹ nghệ. Bên cạnh những tác phẩm đá truyền thống như tượng sư tử, cột đá, chó đá… anh còn sản xuất các sản phẩm đá mỹ nghệ như: Tượng hiện đại, tượng dân gian, tượng các vị anh hùng... Bức tượng anh hùng Kim Đồng do anh chế tác là một trong 10 tác phẩm tiêu biểu toàn quốc năm 2011.

Tâm sự về nghề, anh Hiếu chia sẻ: Đá ở Hải Lựu có một đặc điểm rất khác so với các nơi khác là chất đá mềm, có nhiều vân xanh như thớ gỗ, càng phơi mưa, phơi gió càng có độ bền đẹp, sáng bóng. Bởi vậy, những tác phẩm đá Hải Lựu đã nức tiếng khắp trong, ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, để làm được một sản phẩm từ đá, người thợ chế tác đá phải trải qua rất nhiều khâu, mất nhiều công sức. Đầu tiên là việc chọn đá. Người thợ đá phải mất nhiều ngày, thậm chí cả tháng trời rong ruổi trên những núi đá, tìm những khối đá có vân đẹp, chất đá mềm, có độ sáng, bóng. Việc khai thác và vận chuyển cũng vô cùng vất vả. Bởi vậy, đòi hỏi người thợ đá phải thực sự say nghề, yêu nghề.

Từ những khối đá vô tri, qua bàn tay khối óc và con mắt thẩm mỹ của người thợ, những sản phẩm hữu ích như: cối đá, cột nhà, phù điêu... và sau này là những sản phẩm giàu tính thẩm mỹ đã thể hiện được đời sống tâm linh của người Việt như: Sư tử đá, tượng người, Phật bà Quan âm... Ngày nay, công việc chế tác đá không còn vất vả như trước, do một số công đoạn đã có máy móc thay thế bàn tay của con người. Tuy nhiên, để có một tác phẩm đá mỹ nghệ có chất lượng thì người thợ chế tác đá phải truyền được cái tâm của mình vào từng tác phẩm.

Hiện nay, xưởng sản xuất, chế tác đá của anh Hiếu giải quyết việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động, cao điểm có từ 10-15 lao động. Mỗi năm, xưởng cho ra lò hàng trăm sản phẩm lớn nhỏ. Sản phẩm của anh được bán khắp nơi từ Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái... Mỗi năm, trừ chi phí, anh thu nhập từ 100-200 triệu đồng. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, anh Hiếu còn nhận dạy nghề cho nhiều người yêu nghề chế tác đá. Từ sự giúp đỡ, chỉ bảo của anh, đã có nhiều người thành thợ giỏi, yêu nghề, mở xưởng sản xuất riêng.

 

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm