Cập nhật: 05/01/2018 14:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2017, ngành hải quan đã xây dựng nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu hiệu quả, triệt phá nhiều chuyên án phức tạp, bóc gỡ thành công nhiều ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu. Tuy nhiên, quá trình thực thi nhiệm vụ còn gặp khó khăn bởi một số bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mặc dù số vụ vi phạm pháp luật hải quan giảm so với cùng kỳ năm 2016, nhưng trị giá hàng hóa vi phạm lại tăng, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, liều lĩnh, táo bạo. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam đã hướng tới quy mô lớn, được tổ chức thành đường dây, ổ nhóm. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 15-12-2017, lực lượng kiểm soát hải quan bắt giữ, xử lý 15.184 vụ buôn lậu (giảm 1,97%), trị giá hàng hóa vi phạm hơn 789,5 tỷ đồng (tăng 89,58%), thu nộp ngân sách hơn 334 tỷ đồng (tăng 95%). Cơ quan hải quan khởi tố 51 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 68 vụ.

Phó Cục trưởng Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang cho biết, tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hiện nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng tạm nhập tái xuất, hàng bách hóa tiêu dùng, như: ma túy, ngoại tệ, tiền giả, pháo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, đường, gia cầm, thực phẩm, quần áo, giày dép, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em... Trên tuyến đường biển, các cảng biển quốc tế vẫn nhức nhối tình trạng nhập lậu xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động vật, thực vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh qua sử dụng... Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, đáng chú ý là các mặt hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu, như: ma túy, vũ khí, vàng, sản phẩm động vật hoang dã, điện thoại, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Để tạo bước căn bản trong công tác phòng, chống buôn lậu, ngành hải quan nỗ lực xây dựng và triển khai hiệu quả tám kế hoạch, ban hành 17 văn bản chỉ đạo, cảnh báo tập trung vào các mặt hàng, các hiện tượng nổi cộm. Căn cứ vào đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chủ động xác lập chuyên đề đấu tranh thành công nhiều chuyên án, giải quyết dứt điểm nhiều hiện tượng buôn lậu nóng trên địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Khánh Quang cho biết, theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (ngày 15-10-2013), thẩm quyền cấp đội, hải đội chỉ được tịch thu tang vật vi phạm trị giá không quá 25 triệu đồng với cá nhân và 50 triệu đồng với tổ chức; thẩm quyền cấp cục trưởng chỉ được phạt và tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá không quá 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với tổ chức. Trên thực tế, cơ quan hải quan bắt nhiều vụ buôn lậu có trị giá hàng vi phạm cao hơn so với quy định, nhưng khó xử lý do vướng nghị định nêu trên.

Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, quy định "Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án". Như vậy, thời hạn điều tra theo quy định đối với lực lượng hải quan là quá ngắn, vì có những vụ việc khi cơ quan hải quan yêu cầu giám định mất nhiều thời gian, dẫn đến khó bảo đảm chất lượng của công tác điều tra, xử lý vụ án. Trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự, việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra là rất quan trọng, nhưng cơ quan hải quan không được phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng. Do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan hải quan phải gửi ở cơ quan công an, cho nên cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án. Hiện nay, cả nước chỉ có Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) là đơn vị có chức năng giám định các chất ma túy. Vì vậy, để có kết quả giám định phải chờ từ 20 đến 30 ngày, gây mất thời gian, tốn kém về tiền bạc, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý...

Đánh giá sát diễn biến tình hình dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Tổng Cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm, tăng cường tuần tra, giám sát cửa khẩu, khu vực biên giới, tập trung giám sát các mặt hàng đang có nhu cầu tiêu dùng cao. Triển khai hiệu quả các quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh (Bộ Công an) và vận hành hiệu quả Phòng Giám sát hải quan trực tuyến (Tổng cục Hải quan) đối với việc thực hiện quy trình thủ tục, nghiệp vụ tại các địa điểm làm thủ tục hải quan trong cả nước, phòng ngừa, ngăn chặn và răn đe đối tượng có âm mưu, thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu gắn với bảo đảm kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Công tác mở rộng hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng, nhất là với các nước chung đường biên giới để thu thập, trao đổi thông tin, điều tra, hỗ trợ xác minh. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cũng là việc cần làm ngay, giúp người dân hiểu rõ về mối nguy hại của buôn lậu để "không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ".

 

Theo MẠNH DƯƠNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm