Cập nhật: 08/01/2018 14:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 công nghiệp, thương mại là ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực ven biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thương mại dịch vụ có trình độ, chất lượng cao.

Ảnh minh họa

Đây là mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại biển Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công Thương vừa phê duyệt.

Về các mục tiêu cụ thể, Quy hoạch xác định: Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ven biển giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 9,0 - 9,5%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10,5-11,0%/năm; tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 khoảng 16,5 - 17,0%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 17,5%- 18,0%/năm; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 -2020 đạt khoảng 13,5% - 14,0%/năm và giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 13,0%-13,5%/năm.

Định hướng phát triển đối với ngành công nghiệp là phát triển các ngành có tiềm năng và lợi thế như khai thác và chế biến than, dầu khí, hóa chất, sản xuất điện (nhiệt điện và năng lượng tái tạo), cơ khí, luyện kim, điện tử, chế biến thủy, hải sản; ưu tiên phát triển các lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh; các sản phẩm trong chuỗi sản xuất toàn cầu thuộc các ngành cơ khí, điện, hoá chất và các sản phẩm linh kiện, phụ tùng.

Đối với ngành thương mại: Tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa từ các chương trình hợp tác kinh tế quốc tế, kết hợp phát triển nhanh các hình thức thương mại hiện đại để từng bước mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất - nhập khẩu và thương mại trong nước; Phát triển hệ thống logistics, hệ thống chợ đầu mối thủy sản, nông sản tổng hợp, các trung tâm trung chuyển và kho vận đảm bảo đáp ứng cho hoạt động lưu thông hàng hóa nội địa và quốc tế.

Quy hoạch cũng đưa các giải pháp ngắn hạn như phát triển nhanh các công trình hạ tầng có ảnh hưởng trên phạm vi rộng, có tính liên kết vùng như hệ thống đường quốc lộ ven biển, hệ thống hạ tầng khu kinh tế ven biển, hệ thống chợ đầu mối, trung tâm logistics, trung tâm phân phối hàng hóa và kho vận nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành.

Giải pháp dài hạn là phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm duy trì lực lượng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và hàng hóa tiêu dùng trong khu vực.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng hệ thống cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển và nâng cao năng lực thông luồng, chất lượng dịch vụ cảng biển, hiện đại hóa phương tiện xếp dỡ hàng hóa kết hợp với phát triển nhanh các dịch vụ liên quan trực tiếp đến luồng, cầu cảng…

 

 

 Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm