Cập nhật: 10/01/2018 13:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì liên tục ở mức tương đối cao trong hơn mười năm qua, nhưng tốc độ lại có xu hướng giảm dần. Theo các chuyên gia, tăng năng suất không ổn định, đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ giữ được ở mức vừa phải. Điều này cho thấy, tăng năng suất ngày càng có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH dây dẫn Sumi tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 (Hà Nam). Ảnh: HUỆ MINH

Thách thức tăng năng suất

Nhìn lại hai giai đoạn 1990-2000 và 2000-2012, tăng năng suất lao động (NSLĐ) đạt khá cao ở mức 4,8% và 4,3%, kết hợp với tốc độ tăng cao lực lượng tham gia lao động đã đem đến tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng cho Việt Nam, lần lượt là 7,3 và 6,7%. Tuy nhiên, tăng trưởng NSLĐ giảm ở mức 3,8% trong năm 2013 ngay lập tức kéo tăng trưởng GDP giảm theo chỉ còn 5,4%. Năm 2017, tăng NSLĐ hồi phục ở mức 5,9% đã giúp GDP tăng trưởng trở lại dự kiến ở mức 6,7%. Qua các số liệu này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận định: Tăng NSLĐ ngày càng có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước, đóng góp khoảng 89% vào tăng trưởng GDP trong năm nay. Thực tế, tăng năng suất đã được Việt Nam quan tâm ngay từ năm 2010 khi xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020. Thời kỳ này, chúng ta đặt ra định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, theo hướng nâng cao năng suất và tăng sức cạnh tranh. Trong giai đoạn 2016-2020, nâng cao năng suất tiếp tục được đặt vào vị trí trọng tâm theo chủ trương nâng cao chất lượng và đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhờ đó, NSLĐ đã được dần cải thiện, từ mức 3,8% năm 2012 lên mức 5,3% năm 2016 và 5,9% trong năm 2017.

Tuy nhiên, tăng năng suất của Việt Nam thực tế vẫn thấp so các nước trong khu vực cũng như yêu cầu phát triển. Theo Báo cáo Năng suất Việt Nam 2016, NSLĐ của Xin-ga-po đang cao gấp 14,3 lần nước ta; Ma-lai-xi-a 5,7 lần; Thái-lan 2,7 lần và In-đô-nê-xi-a 2,4 lần;… TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Nếu tiếp tục tăng trưởng GDP như hiện nay thì khó thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,85%/năm trong ba năm tới, hay mục tiêu từ 6,5 đến 7%/năm giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất cần phải nhanh hơn nữa, trong đó tăng NSLĐ phải đạt bình quân 6%/năm so 4,6% của giai đoạn 2011-2015 và 5,5% của giai đoạn 2014-2016. Tăng NSLĐ phải thêm 26% so với giai đoạn 2011-2017 và đây rõ ràng là một mục tiêu đầy thách thức đối với Việt Nam, nhất là khi các động lực trước đây thúc đẩy tăng năng suất của kinh tế Việt Nam lại đang có dấu hiệu chững lại. Lý do, thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chỗ đóng góp phần lớn vào tăng NSLĐ nay đóng góp ngày càng ít hơn. Cụ thể, nếu giai đoạn 2008-2011, chuyển dịch cơ cấu ngành đóng góp khoảng 59% vào tăng NSLĐ thì giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn khoảng 30%, có năm chỉ còn dưới 10%. Thứ hai, lợi thế về phát triển nông, lâm, thủy sản của chúng ta thời gian qua đã được khai thác triệt để nhưng chủ yếu là theo chiều rộng và đã tới hạn. Năng suất về sản lượng nông nghiệp của Việt Nam tuy khá cao, nhưng năng suất về giá trị gia tăng lại thấp, thiếu bền vững do chỉ sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thấp, triệt để khai thác năng lực của đất thông qua sử dụng hóa chất, không theo tín hiệu thị trường…

Động lực mới

Theo nhiều chuyên gia, trong khi các động lực cũ có dấu hiệu chững lại thì đang có nhiều động lực mới thúc đẩy tăng năng suất dần xuất hiện. Vấn đề là chúng ta cần tạo thêm xung lực và chủ động tận dụng các dư địa còn lại. Trước hết chính là phát triển kinh tế tư nhân. Khu vực này đang dần lớn mạnh về số doanh nghiệp (DN) cũng như vốn thành lập, đồng thời hoạt động hiệu quả hơn hẳn khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tốc độ tăng giá trị gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân từ 8,42% năm 2015 đã lên tới 11,4% vào năm 2016, cao nhất trong các khu vực kinh tế. Khác với các thành phần khác, khu vực kinh tế ngoài nhà nước (trong đó có kinh tế tư nhân) có tốc độ tăng NSLĐ ổn định hơn; đồng thời, tốc độ tạo việc làm cũng được giữ ở mức khá ổn định, có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, động lực từ hội nhập cũng cần được khai thác tốt hơn trên cả khía cạnh nâng cao đóng góp của khu vực FDI trong thúc đẩy tăng năng suất, cũng như nâng cao giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa xuất khẩu (nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu). Động lực từ tăng năng suất nội ngành kết hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có nhiều tiềm năng, cũng là một yếu tố được các chuyên gia nhấn mạnh. Thời gian tới, đây phải được coi là một trong những trọng tâm của Việt Nam, nhất là đối với các ngành chúng ta có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, du lịch. Cần tận dụng dư địa hiệu quả sử dụng nguồn lực công. Thực tế, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, nguồn lực công còn nhiều dư địa để cải thiện, từ đó góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất. Thí dụ, khu vực DNNN hiện có tổng tài sản cố định và đầu tư tài chính hằng năm chiếm khoảng 40% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn của toàn bộ khu vực DN cả nước; sử dụng khoảng 70% đất đai và 70% vốn ODA nhưng lại có đóng góp rất hạn chế vào tăng năng suất. Trình độ công nghệ, NSLĐ và sức cạnh tranh của khu vực này nhìn chung còn thấp. Do đó, thúc đẩy tái cơ cấu khu vực này sẽ tạo cơ hội giải phóng nguồn lực, sử dụng hiệu quả hơn; đồng thời, cũng giúp khu vực này có điều kiện hiện đại hóa quản trị DN, tăng cường năng lực công nghệ và nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động, từ đó góp phần thúc đẩy tăng năng suất cho cả nền kinh tế.

Việt Nam cần phải rà soát lại các chính sách về phát triển nguồn vốn con người. Cần nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các cơ sở giáo dục kỹ thuật và đào tạo tay nghề mang tầm thế giới; ưu tiên mở rộng nguồn cung các công nhân kỹ thuật và lao động lành nghề;… Đặc biệt, giáo dục phải hướng tới tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng nhận thức và sáng tạo.

Tiến sĩ R.RA-XI-A - Cố vấn cao cấp của Liên hợp quốc tại Việt Nam

Khu vực DN chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Nâng cao NSLĐ khu vực DN sẽ đóng vai trò quyết định nâng cao NSLĐ của nền kinh tế. Do đó, cần có chính sách tín dụng, thuế phù hợp khuyến khích DN tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu; nghiên cứu, đổi mới công nghệ; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình tái cơ cấu DNNN.

NGUYỄN BÍCH LÂM - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

 

Theo THÁI LINH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm