Sinh sống lâu đời ở Lào Cai, đồng bào Mông có nhiều nét văn hóa đặc sắc, đó là sự độc đáo trong trang phục, phong tục, tập quán, lễ hội và nếp sinh hoạt đời thường...
Múa khèn Mông tại Lễ hội mùa thu Sa Pa.
Với cộng đồng người Mông ở Lào Cai, chiếc khèn chính là biểu tượng, nét văn hóa đặc trưng nhất, là “linh hồn” trong cuộc sống của họ. Qua tiếng khèn, người Mông được thể hiện “tiếng lòng” của mình với người mình thương yêu, với cộng đồng và với thiên nhiên hùng vĩ. Theo quan niệm dân gian, tiếng khèn còn là phương tiện giao tiếp giữa dương gian với thần linh và cõi âm. Cây khèn luôn gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông từ đời này sang đời khác. Vậy nên đã có nhiều người Mông di cư đến các vùng đất khác sinh sống, nhưng vì nhớ tiếng khèn mà quay trở về.
Một trong số đó là anh Giàng A Sử, ở xã Cao Sơn (Mường Khương). Cách đây vài năm, anh Sử nghe theo lời rủ rê của những người xấu, bỏ quê hương vào Tây Nguyên lập nghiệp. Người xấu bảo ở đó nhiều đất, muốn bao nhiêu cũng có, không cần làm nhiều vẫn có của ăn của để. Vào đến đây mới biết không phải như thế, cuộc sống nơi này không bằng quê hương anh, nhưng vì đã bỏ quê đi rồi nên đành cố gắng ở lại lập nghiệp. Chỉ có điều, dù ở đây cũng có người Mông, nhưng họ không chơi khèn. Càng sống lâu trên vùng đất mới, anh Sử càng nhớ tiếng khèn da diết. Anh tìm trúc về làm khèn, khi buồn thì mang ra thổi cho vơi nỗi nhớ quê hương, nhưng lại cảm thấy sở thích của mình lạc lõng, nên anh đã lựa chọn con đường trở về.
Nếu một lần ghé qua chợ tình SaPa vào tối thứ 7 hằng tuần, du khách sẽ gặp hình ảnh những chàng trai Mông độ tuổi trên dưới 20 say sưa múa khèn. Mặc dù, chợ tình bây giờ khác xưa nhiều, nhưng tiếng khèn, điệu múa vẫn được lưu giữ nguyên vẹn và được người Mông biểu diễn thường xuyên trong các đêm chợ. Anh Giàng A Sài, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện SaPa cho biết: “Chính những tiếng khèn, điệu múa ấy đã để lại nhiều ấn tượng và làm đắm say biết bao du khách khi đến với SaPa…”.
Bên cạnh cây khèn, trang phục cũng làm nên nét đặc sắc của dân tộc Mông. Mỗi trang phục thực sự là một tác phẩm nghệ thuật với đầy đủ sự khéo léo, tỉ mỉ và tinh tế. Đối với người Mông đen, sự tài tình của họ chính là có thể làm ra những bộ trang phục từ cây lanh. Trồng cây lanh dệt vải để làm ra trang phục là công việc rất vất vả, cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì. Cây lanh được bà con thu hoạch về phơi nắng, tước thành sợi, giã mềm rồi nối lại. Sau đó, lanh tiếp tục được mang đi giặt, luộc phơi cho tới khi mềm và trắng mới mắc vào khung cửi để dệt thành những tấm vải đẹp. Vải lanh sau khi dệt thành tấm sẽ được đồng bào Mông vẽ các họa tiết bằng sáp ong, rồi đem nhuộm đen bằng lá cây chàm lấy từ trên rừng. Từ những tấm vải nhuộm chàm, nhờ bàn tay khéo léo của phụ nữ Mông sẽ trở thành những bộ trang phục đậm sắc màu thổ cẩm.
Áo, váy của phụ nữ Mông đen và Mông hoa được thêu nhiều họa tiết độc đáo, đặc biệt là ở phần tay áo và váy, chủ yếu là hoa văn hình khối như hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc…, gắn thêm những đồng bạc tạo nên sự hài hòa, trang nhã. Không nổi bật như trang phục của phụ nữ, trang phục của đàn ông dân tộc Mông rất đơn giản, nhưng vẫn độc đáo. Trang phục của người Mông có nhiều nét riêng, không bị lẫn với bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ Mông xe lanh, nối lanh lúc đi chợ, lúc lên nương hay ngồi bên khung cửi dệt vải đã trở thành nét đẹp văn hóa ở vùng cao. Vậy nên, nhiều địa phương có đông người Mông sinh sống như Bắc Hà, Sa Pa… đã xây dựng những điểm tái hiện nghề dệt thổ cẩm nhằm thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá, góp phần phát triển du lịch.
Lễ hội Gầu tào được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm cũng là một nét văn hóa đặc trưng của người Mông. Hội Gầu tào là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của vùng cao Lào Cai, nằm trong số ít phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn khá nguyên bản cho đến ngày nay. Với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia chủ và vật nuôi được khỏe mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian, tạo sân chơi giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các cộng đồng người Mông…, hội Gầu tào là sự kiện văn hóa không thể thiếu trong đời sống đồng bào Mông mỗi dịp xuân về.
Văn hóa của người Mông tuy bình dị, nhưng cũng rất đặc sắc bởi được tạo nên từ cuộc sống thường ngày. Qua tiếng khèn, trang phục, lễ hội…, những nét văn hóa ấy càng được thể hiện một cách rõ nét. Ngoài ra, ngôn ngữ, dân ca, sáo, kèn… và nhiều tập quán trong sinh hoạt hằng ngày cũng tạo cho cộng đồng dân tộc Mông một bản sắc văn hóa riêng. Đó là tiềm năng, thế mạnh để Lào Cai đẩy mạnh phát triển du lịch hiệu quả và bền vững nếu được đầu tư, khai thác hợp lý. Và để trải nghiệm, khám phá những nét đặc sắc của văn hóa Mông, du khách hãy một lần ghé thăm Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát… nơi có đông cộng đồng người Mông sinh sống.
Sưu tầm