Cập nhật: 14/01/2018 10:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc một số đối tượng tiến công gây thương tích, thậm chí chết người. Sau khi cơ quan công an điều tra, xác định thủ phạm bị tâm thần, hạn chế hoặc mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

Ngày 26-11-2017 vừa qua, cháu K., 6 tuổi, trú tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đang đi trên đường, bị một đối tượng lao đến dùng dao cắt vào vùng cổ. Cháu K. chết trên đường đến bệnh viện. Đối tượng gây ra cái chết thương tâm cho cháu K. được xác định là Hoàng Nhất Giang, 34 tuổi, trú tại phường 5, quận 11, TP Hồ Chí Minh. Cơ quan chức năng xác định, Giang là người có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt và từng được điều trị tại cơ sở y tế. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án do đối tượng bị tâm thần, hạn chế hoặc mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi phạm tội. Những sự việc nêu trên không chỉ gây mất mát cho gia đình, người thân nạn nhân, mà còn tạo tâm lý bất an cho toàn xã hội. Trong khi đó, những đối tượng này thường được giảm tội, thậm chí không phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi của mình. Cụ thể, theo Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều 21, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Với những trường hợp nêu trên, một số sẽ được đưa đi chữa bệnh bắt buộc sau khi cơ quan tố tụng xác định là không phải chịu trách nhiệm hình sự. Sau khi sức khỏe ổn định, được trở về gia đình, những đối tượng này chắc chắn sẽ tạo nên sự bất an đối với những người chung quanh vì không có gì bảo đảm họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát. Vì không áp dụng được chế tài hình sự, cho nên bắt buộc phải tìm giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội của các đối tượng bị tâm thần, hạn chế hoặc mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc xác định tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thuộc trách nhiệm của cơ quan pháp y. Ở các giai đoạn tố tụng, giai đoạn nào phát hiện được, hoặc người phạm tội yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng giai đoạn đó trưng cầu giám định tình trạng bệnh tật của người phạm tội để xác định năng lực trách nhiệm hình sự. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2011/NĐ-CP quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh; trong đó, có đề cập việc thi hành biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với người được xác định mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng, tức là sau khi các đối tượng đã gây án. Như vậy, ở cả Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị định số 64/2011/NĐ-CP không đề cập việc bắt buộc người bị tâm thần, hạn chế hoặc mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi đi chữa bệnh khi họ có biểu hiện mắc bệnh để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà những đối tượng này gây nên.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ án đau lòng xảy ra do nhiều gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, thậm chí có biểu hiện che giấu việc người thân có biểu hiện hạn chế nhận thức. Chưa kể, khi áp dụng các biện pháp bắt buộc đưa người bệnh đến các trung tâm chữa trị, gia đình không đủ kinh phí, hoặc cơ quan điều tra giao chính quyền địa phương quản lý, trong khi chính quyền địa phương không thể lúc nào cũng có điều kiện theo dõi. Điều này dẫn đến việc họ tiếp tục sống trong cộng đồng khi chưa được chữa trị.

Để ngăn ngừa những hậu quả đau lòng khi người bị tâm thần, hạn chế hoặc mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi gây ra, cần thực hiện nhiều giải pháp. Khi gia đình phát hiện người thân có biểu hiện mắc bệnh, cần sớm đưa đến các cơ sở điều trị; quản lý chặt người bệnh, tránh gây kích động, hoặc để người bệnh tiếp xúc những công cụ có khả năng gây sát thương. Các cơ sở y tế địa phương cần có những chương trình hỗ trợ gia đình có người thân mắc bệnh; chủ động rà soát các đối tượng mắc bệnh để có phương án vận động, kết hợp gia đình đưa người bệnh đi điều trị kịp thời. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần có sự quản lý, giám sát, quan tâm đến các đối tượng mắc bệnh trên địa bàn. Quan trọng nhất là các nhà làm luật nên có các quy định về quản lý, cũng như bắt buộc chữa bệnh đối với những người mới bắt đầu có biểu hiện bệnh.

 

Theo Hoàng Phan /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm