Xuân Giang là xã động lực của huyện Quang Bình, trong đó dân tộc Tày chiếm 97%. Những năm qua, người dân nơi đây vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nghề dệt lụa và thổ cẩm của người Tày. Đây là một nghề thủ công có từ rất lâu, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là sản phẩm được bán rộng rãi ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đến thăm HTX Dệt thổ cẩm Mường Chang, chúng tôi được chị Hoàng Thị Thập, Chủ nhiệm HTX cho biết: Để giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như nghề dệt thổ cẩm, năm 2015 HTX Mường Chang được thành lập với 6 thành viên. Sản phẩm của HTX bao gồm các loại như vỏ chăn, khăn trải bàn, túi để điện thoại, dây thắt lưng, dây dao... Ngoài làm nông nghiệp, những lúc nông nhàn các chị lại tập trung dệt nên những tấm lụa và thổ cẩm với nhiều màu sắc, mang đậm nét đặc trưng của người dân nơi đây. Trước kia, các chị thường sử dụng những nguyên liệu sẵn có để dệt nên những tấm lụa và thổ cẩm đơn sơ. Hiện nay, các thành viên của HTX đã tự nuôi tằm ươm tơ, dệt lụa và thổ cẩm. Để dệt được một tấm lụa, phải trải qua rất nhiều công đoạn, đầu tiên là se sợi, nhuộm thành các màu đỏ, vàng, xanh, tím, hồng, trắng rồi đem dệt. Kỹ thuật dệt là yếu tố quan trọng hàng đầu, nó quyết định chất lượng, đồng thời cũng tạo ra những nét độc đáo của từng sản phẩm. Bằng óc sáng tạo phong phú của mình, các chị đã tạo nên rất nhiều sản phẩm có mẫu hoa văn phong phú và đa dạng. Hoa văn trên mỗi tấm thổ cẩm bắt nguồn từ lao động, gắn bó trong cuộc sống hàng ngày như hình lá lúa, cành cây, xương cá, hoa bưởi, các loại con thú...
Chị Hoàng Thị Éng, thành viên HTX chia sẻ: Thông thường một người thợ làm liên tục phải mất một tuần mới dệt được một chiếc vỏ chăn bằng thổ cẩm, hoặc phải 3 – 4 ngày mới xong một chiếc khăn trải bàn, với giá bán khoảng 1.2 triệu đồng/1 vỏ chăn và 1,3 triệu đồng/ 1 tấm lụa... Ngoài làm nông nghiệp, thì mỗi tháng các chị có thu nhập thêm từ nghề dệt lụa và thổ cẩm khoảng 1 - 2tr đồng/ tháng.
Cũng theo chị Hoàng Thị Thập: Trước đây sản phẩm thổ cẩm và lụa làm ra chủ yếu để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình, để trao đổi nhượng bán, cho tặng trong thôn, bản khi gia đình có việc, trong dịp lễ hội... Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển của xã hội, nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng cao nên bà con người Tày không chỉ dệt lụa và thổ cẩm phục vụ nhu cầu của gia đình, mà còn để trao đổi trên thị trường, góp phần to lớn vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền đặc sắc của cả cộng đồng. Nhiều sản phẩm lụa và thổ cẩm truyền thống của người Tày Xuân Giang được khách du lịch trong nước và quốc tế ưa chuộng...
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang Nguyễn Anh Thùy cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của tỉnh cũng như của huyện về việc tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa theo Nghị quyết T.Ư 5 khóa XI, trên địa bàn xã Xuân Giang có 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực dệt thổ cẩm. Những năm qua, cấp ủy chính quyền xã Xuân Giang luôn động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX hoạt động. Bên cạnh đó giúp đỡ quảng bá sản phẩm qua các hội chợ của huyện cũng như của tỉnh thông qua các gian hàng trưng bày; tuyên truyền, kêu gọi tổ chức, cá nhân mua sản phẩm làm quà khi các đoàn khách đến tham quan học tập kinh nghiệm tại xã và huyện.
Có thể nói, nghề dệt lụa và thổ cẩm của người Tày Xuân Giang là nét văn hóa rất độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày huyện Quang Bình nói riêng và dân tộc Tày tỉnh ta nói chung./.
ST