Progesterone là một hormon tự nhiên liên quan với độ dày niêm mạc tử cung trong cơ thể người phụ nữ. Khi có thai, hormon này sẽ tăng lên tự nhiên để thích ứng với sự phát triển của thai nhi trong tử cung.
Ăn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có thể cải thiện tình trạng progesterone cao (không do thai nghén).
Tuy nhiên, có những trường hợp, progesterone cao có thể do các nguyên nhân khác. Mức progesterone cao có thể dẫn đến một loạt các phản ứng không mong muốn.
Các triệu chứng của progesterone cao
Sự mất cân bằng hormon này có thể dẫn đến nhiều phản ứng phụ tiêu cực. Khi nồng độ progesterone cao cơ thể sẽ có các triệu chứng như: lo lắng, đầy hơi, đau ngực, trầm cảm, mệt mỏi, mất ham muốn tình dục, tâm trạng dễ thay đổi, yếu cơ, khô âm đạo.
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm: mụn trứng cá, da nhờn, nhức đầu, nóng bừng, mất kiềm chế, nhiễm trùng niệu, tăng cân.
Các xét nghiệm đánh giá mức progesterone cao
Biểu đồ nhiệt độ nền cơ thể BBT (Basal body temperature): Nhiệt độ nền cơ thể hoặc biểu đồ BBT, là quá trình ghi lại nhiệt độ cơ thể khi nghỉ ngơi mỗi ngày để nắm bắt thông tin liên quan chu kỳ kinh nguyệt. Sau khi rụng trứng, ở phụ nữ có tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể nhưng ổn định và tăng nhẹ. Nếu nhiệt độ không đều hoặc liên tục cao, có thể có mức progesterone cao.
Độ dài thời gian của giai đoạn hoàng thể (luteal phase): Nếu thời gian rụng trứng ít hơn 11 ngày trước khi có kinh, đây có thể là dấu hiệu của khiếm khuyết liên quan đến giai đoạn hoàng thể. Rụng trứng có thể được phát hiện thông qua việc sử dụng một thiết bị dò rụng trứng, hoặc biểu đồ BBT.
Kiểm tra hormon tuyến nước bọt: Các xét nghiệm nội tiết có thể được thực hiện thông qua kiểm tra nước bọt. Sau khi phân tích nước bọt, phòng xét nghiệm có thể xác định được mức progesterone thấp hay cao.
Kiểm tra hormon trong máu: Mặc dù xét nghiệm hormon của nước bọt có thể tiện ích và không xâm nhập so với xét nghiệm hormon trong máu, nhưng xét nghiệm hormon trong máu có thể giúp xác định một số thông tin quan trọng của cơ thể bạn.
Thời điểm kiểm tra mức progesterone tốt nhất
Nếu có bất kỳ triệu chứng liên quan đến sự mất cân bằng hormon, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra mức progesterone. Thời gian tốt nhất để thực hiện kiểm tra là 7 ngày sau khi rụng trứng hoặc 7 ngày trước khi khi có kinh nguyệt. Vào những thời điểm này, có nhiều khả năng phát hiện mức đỉnh của progesterone.
Mức progesterone cao trong thai kỳ sớm
Nồng độ progesterone cao thường gặp đối với phụ nữ mang thai. Khi bào thai phát triển, nồng độ progesterone cũng tăng lên. Sự gia tăng progesterone có thể khiến bà mẹ cảm thấy kiệt sức và làm chậm tốc độ tiêu hóa thức ăn gây ra táo bón.
Trong thời kỳ mang thai, nếu mức progesterone tăng quá cao, có thể gợi ý có tình trạng đa thai song sinh hoặc sinh ba...
Mức progesterone tăng cũng có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung và đôi khi gặp trong ung thư buồng trứng.
Cách xử trí với mức progesterone cao
Thay đổi lối sống: Thông thường bước đầu tiên để duy trì sự cân bằng của hormon là thay đổi lối sống thích hợp. Tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh, cùng với các thực hành giảm stress như thiền và yoga, không những giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến nồng độ progesterone cao, mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể và tinh thần. Một số nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm các triệu chứng liên quan đến sự mất cân bằng progesterone bằng cách ăn các thực phẩm làm tăng lượng estrogen cho cơ thể như đậu nành, anh đào, khoai tây, lúa mì, gạo, táo.
Giải pháp thảo dược: Một số phụ nữ có thể muốn thử các liệu pháp thảo dược để kiểm soát các triệu chứng liên quan đến mức progesterone cao. Hai loại thảo mộc có khả năng hiệu quả nhất là các loại thảo mộc chứa nhiều hợp chất phytoestrogen và các loại thảo mộc không estrogen.
Các loại thảo mộc chứa phytoestrogen, chẳng hạn như thiên ma (black cohosh), cung cấp hợp chất estrogen từ thực vật cho cơ thể, giúp loại trừ sự mất cân bằng hormon. Lưu ý chỉ được sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ.
Các loại thảo mộc không estrogen, như macafem, trái ngược với loại thảo mộc chứa phytoestrogen. Những loại thảo mộc không estrogen hỗ trợ các tuyến nội tiết tăng sản xuất hormon. Các loại thảo mộc này được xem là ít gây khó chịu nhất và an toàn nhất để điều trị chứng mất cân bằng progesterone. Lưu ý chỉ được sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ.
Liệu pháp thay thế hormon: Hình thức trị liệu này liên quan đến việc sử dụng thuốc chứa hormon để giải quyết sự mất cân bằng của progesterone. Cần lưu ý rằng liệu pháp thay thế hormon có nhiều tác động tiêu cực và có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, ung thư vú, đột quỵ và bệnh tim.
BS. Thanh Hoài
Theo suckhoedoisong.vn