“Tết Hoa” hay còn gọi là Mền Loóng Phạt Ái là Tết cổ truyền đặc trưng của đồng bào dân tộc Cống, được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm khi mùa vụ đã thu hoạch xong. Đây là dịp để người Cống cùng hướng về cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh và cầu xin cho một năm mới với nhiều an lành, ấm no.
Người Cống là dân tộc đặc biệt ít người, sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã, bản giáp Biên giới Việt - Lào như: bản Púng Bon, bản Huổi Moi, bản Si Văn thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; bản Lả Chà thuộc xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Cũng như các dân tộc anh em khác trên địa bàn, dân tộc Cống canh tác chủ yếu ruộng nước và nương rẫy, một năm một vụ chính; ngoài ra còn trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven sông, suối, phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ tết, lễ và sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đời sống vật chất, người Cống còn có đời sống tinh thần phong phú thông qua trang phục, các phong tục tập quán, lễ hội như: Tết hoa, Lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên, Lê lên nhà mới…Trong đó, Tết hoa là độc đáo nhất bởi đây là nghi lễ trong ngày tết cổ truyền của người Cống và cũng có nghĩa là kết thúc một năm cũ.
Đồng bào dân tộc Cống tại các bản Púng Pon, Si Văn, Huổi Moi (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tổ chức Tết hoa vào 2 ngày 30/11 và 1/12 (dương lịch) gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức tại nhà của thầy cúng, hoặc trưởng dòng họ. Các lễ vật, đồ cúng được người dân trong bản làng dâng lên cúng đều là các nông sản do gia đình làm ra hay đánh bắt được như: bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, cá suối, gà, rượu, sóc, chuột... Đặc biệt, trong “Tết Hoa” không thể thiếu một loài hoa gắn với đời sống tâm linh của người Cống là hoa Mào Gà (hay Phạt ái theo cách gọi của người Cống).
Đối với họ, hoa Mào Gà biểu trưng cho may mắn, no ấm. Khi mọi vật lễ đã được mang đến đầy đủ, mâm lễ thịnh soạn được đặt dưới cây mào gà. Đến giờ tốt, thầy cúng đánh hồi chiêng vang lên khắp bản báo hiệu lễ cúng Tết hoa bắt đầu. Thầy cúng thắp nhang và gọi thần linh thổ địa, tổ tiên, mẹ lúa về chứng kiến. Trong bài khấn thầy cúng thay mặt cho bà con báo cáo tình hình mùa màng trong năm và cầu xin năm tới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, may mắn, an lành…Sau lễ cúng tại các gia đình, mọi người cùng vui vẻ uống rượu và múa hát, các trò chơi dân gian dân tộc và thi đấu thể thao như đánh cù, đẩy gậy, kéo co. Họ múa và uống rượu trong tiếng chiêng, tiếng trống cùng tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt của đám đông dự hội. Không khí ngày tết rất náo nhiệt và thắm tình đoàn kết cộng đồng.
Có thể nói, "Mền loóng phạt ái" - Tết hoa của người Cống được tổ chức là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng đã lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua ngày Tết, nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn cần được giữ gìn và phát huy để Tết hoa của người Cống mãi là nét văn hoá đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.
ST