Năm 2018, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tập trung tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, kinh doanh lừa đảo qua mạng xã hội.
Buổi họp báo của Ban 389.Ảnh:VGP/Huy Thắng
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban 389) cho biết hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra tại khu vực biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, An Giang, Kiên Giang… Đáng chú ý nhất là tuyến biên giới địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa có dấu hiệu giảm, nhiều mặt hàng trước đây thường vận chuyển trái phép qua biên giới, nay cơ bản đã được mở tờ khai nhập khẩu tại các cửa khẩu như quần áo, hàng tiêu dùng…
Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là tuyến biên giới Tây Nam bộ, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là việc khó khăn trong xử lý hình sự nên hoạt động này có sự gia tăng cả về quy mô số lượng, phương thức hoạt động.
Hiện tình trạng vận chuyển bằng xe ô tô khách, xe tải, ghe tàu với số lượng lớn từ 10.000 – 40.000 bao thường xuyên xảy ra. Tại các tuyến biển, cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế, nơi có lưu lượng hàng hóa rất lớn nên cũng là tuyến đường dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, rác thải, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng…. tại các địa bàn trọng điểm là Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, TPHCM…
Trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 225.800 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước từ xử phát hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Đàm Thanh Thế, việc đấu tranh chống gian lận, thương mại và hàng giả vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là ở các đô thị là do sự vào cuộc của các cấp các ngành chưa đồng bộ, thống nhất, việc xác định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sự việc còn chưa triệt để.
Với băn khoăn về việc một số vụ án lớn nổi cộm nhưng chưa được cung cấp thông tin công khai đầy đủ, ông Đàm Thanh Thế cho biết, các lực lượng chức năng sau khi bắt giữ đã thực hiện đúng và đủ chế độ báo cáo, khẳng định không có hiện tượng “chìm xuồng” vụ việc. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án phải tuân thủ theo luật, trình tự, các cơ quan báo chí có thể chủ động phối hợp và sẽ được cung cấp thông tin theo đúng quy định.
Còn ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường-Bộ Công Thương, một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống hàng giả cho biết vẫn có sự chậm trễ trong việc điều tra các vụ việc mà các cơ quan chức năng đã thống nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả. Trong thời gian tới, các thủ đoạn buôn lậu, làm hàng giả, lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng phức tạp, cần phải xử lý kiên quyết hơn, quy rõ trách nhiệm từng bộ, ngành liên quan.
Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn